Hỗ trợ gạo cho học sinh: Nhiều đơn vị về đích sớm
Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Hoàng Liên Sơn sớm hoàn thành xuất cấp, vận chuyển, bàn giao hơn 1.875 tấn gạo hỗ trợ học sinh tỉnh Yên Bái. Ảnh: Lê Dũng

Xuất cấp, vận chuyển và giao gạo đúng quy trình

Căn cứ vào đề nghị của UBND 41 tỉnh, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2295/QĐ-BTC xuất cấp (không thu tiền) hơn 34.164 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ trên 531.337 học sinh, trong học kỳ II năm học 2023-2024.

Vận chuyển, giao nhận gạo tuân theo pháp luật đấu thầu

Việc vận chuyển gạo từ kho DTQG đến địa điểm giao nhận phải thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu (thời gian lập dự toán, đăng tải kế hoạch, phát hành hồ sơ đến khi mở thầu tối thiểu 9 ngày làm việc).

Triển khai quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TCDT giao 18 cục DTNN khu vực xuất cấp gạo từ nguồn DTQG, vận chuyển, giao gạo cho các tỉnh tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2023-2024, với thời hạn hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

Tổng cục DTNN đã quán triệt tới các cục dự trữ khu vực (được giao xuất cấp gạo) phải thực hiện thủ tục đấu thầu qua mạng để lựa chọn đơn vị bốc xếp, vận chuyển gạo từ kho DTQG đến địa điểm tiếp nhận (thường là trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh được hỗ trợ), theo quyết định của UBND các tỉnh.

Theo quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP, các đơn vị dự trữ tự tổ chức vận chuyển gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh và giao cho đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh được hỗ trợ. Đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh tổ chức vận chuyển gạo DTQG từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến các trường học, cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ.

Được biết, để kịp thời có gạo hỗ trợ cho các em học sinh, lãnh đạo các cục DTNN khu vực đã khẩn trương chỉ đạo, quán triệt các đơn vị chủ động làm việc và đề nghị các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm trình UBND các tỉnh, thành phố có quyết định phân bổ.

Thông tin từ Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục DTNN), đến ngày 2/4/2024, 9/41 tỉnh chưa có quyết định phân bổ (gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình).

Còn đối với 32 tỉnh đã có quyết định phân bổ, các cục DTNN được giao nhiệm vụ đã giao nhiệm vụ xuất gạo hỗ trợ cho các chi cục DTNN, thành lập ban chỉ đạo, tổ giao nhận theo quy định; thực hiện công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực. Bên cạnh đó, các đơn vị đã khẩn trương xây dựng dự toán chi phí xuất tối đa, lựa chọn các nhà thầu vận chuyển, bốc xếp để đảm bảo đúng thời gian và tiến độ giao nhận.

Việc vận chuyển gạo từ kho DTQG đến địa điểm giao nhận phải thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu (thời gian lập dự toán, đăng tải kế hoạch, phát hành hồ sơ đến khi mở thầu tối thiểu 9 ngày làm việc). Quy định về đấu thầu qua mạng cũng áp dụng cho đơn vị tiếp nhận gạo của các tỉnh khi vận chuyển gạo DTQG từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến các trường học.

Nhiều đơn vị hoàn thành xuất cấp trước hạn

Hiện tại, 15 tỉnh đã tiếp nhận gạo, kịp thời hỗ trợ tới học sinh, gồm: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang. Trong quá trình xuất gạo DTQG, các cục DTNN khu vực thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xuất kho; áp tải, giao nhận gạo hỗ trợ học sinh cho các địa phương, đảm bảo gạo hỗ trợ học sinh đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời phân bổ tới học sinh.

Ở mỗi điểm giao nhận, các bên (bên giao gạo và bên tiếp nhận gạo) phối hợp thực hiện lập biên bản giao, nhận gạo (theo đúng mẫu biên bản quy định về giao, nhận gạo DTQG hỗ trợ cho các địa phương); tổ chức lấy mẫu gạo và thống nhất niêm phong mẫu gạo (có xác nhận của các bên); mẫu gạo được lưu giữ, quản lý, bảo quản tại bên giao, bên nhận để đối chứng trong trường hợp có phản ánh về chất lượng gạo.

Theo ông Lê Tiến Dũng - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị nói riêng và của ngành nói chung, đơn vị đã khẩn trương liên hệ với UBND tỉnh Yên Bái ban hành quyết định phân bổ gạo của UBND tỉnh Yên Bái. Ngày 7/3/2024, đơn vị đã ký biên bản với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái thống nhất địa điểm và thời gian giao nhận gạo xong trước ngày 10/4/2024.

Hỗ trợ gạo cho học sinh: Nhiều đơn vị về đích sớm
Bốc xếp gạo giao cho các trường học tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Lê Dũng

Bên cạnh đó, đơn vị đã khẩn trương xây dựng dự toán chi phí xuất tối đa, đăng tải hồ sơ lựa chọn nhà thầu vận chuyển, bốc xếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và đóng mở thầu vào ngày 21/3/2024. Trong khoảng thời gian từ 28/3 đến hết ngày 3/4 chi cục DTNN (Yên Bái, Tuyên Quang) thuộc Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã hoàn thành xuất cấp, vận chuyển, bàn giao hơn 1.875 tấn gạo sớm hơn dự kiến, trước thời gian tỉnh Yên Bái quy định 6 ngày, Tổng cục DTNN quy định 19 ngày. (Trong đó: Huyện Mù Căng Chải là 904,17 tấn; huyện Trạm Tấu là 452,13 tấn; huyện Văn Chấn là 290,357 tấn; huyện Lục Yên là 83,966 tấn; huyện Văn Yên là 58,287 tấn; huyện Yên Bình 17,19 tấn...).

Tương tự như vậy, với tinh thần quyết tâm cao, Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên đã hoàn thành xuất cấp hơn 961,575 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2023-2024 trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Cục DTNN khu vực Cửu Long cũng đã hoàn thành trước hạn xuất cấp 92,85 tấn gạo hỗ trợ học sịnh học kỳ II năm học 2023-2024 trên địa bàn 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long.

Cục DTNN khu vực Tây Bắc và Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú được giao nhiệm vụ xuất cấp với số lượng nhiều nhất, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 7 miền núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ).

Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, 2 đơn vị đều nỗ lực hết mình, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với học sinh vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trong công tác an sinh xã hội.

Hướng dẫn mới về định mức chi phí bảo quản đối với hàng dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) trực tiếp quản lý, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024 và thay thế Thông tư số 161/2015/TT-BTC.

Theo đó, định mức chi phí bảo quản thường xuyên đối với gạo như sau: Trường hợp bảo quản thường xuyên, chi phí là 68.241 đồng/tấn.năm; trường hợp bảo quản lần đầu, mức chi phí từ 118.538 - 219.977 đồng/tấn.năm.

Chi phí bảo quản thường xuyên đối với thóc đổ rời và đóng bao áp suất thấp là 123.304 đồng/tấn.năm; thóc đổ rời và đóng bao bảo quản kín bổ sung N2 nồng độ ≥98% là 122.240 đồng/tấn.năm. Đối với muối ăn, chi phí bảo quản lần đầu là 139.877 đồng/tấn.năm; chi phí bảo quản thường xuyên là 14.097 đồng/tấn.năm.

Chi phí bảo quản thường xuyên đối với nhà bạt 60,0 m2 mức chi phí là 457.553 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 24,75 m2 mức chi phí là 322.837 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 16,5 m2 mức chi phí là 299.717 đồng/bộ.năm...

Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý được thực hiện chi cho các nội dung chi có liên quan đến công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia, theo danh mục nội dung định mức được quy định tại Thông tư số 19/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý quy định trên được áp dụng làm căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý chi phí, thực hiện kế hoạch bảo quản hàng dự trữ quốc gia.