datc

DATC là công ty của Nhà nước tham gia mua bán, xử lý nợ xấu từ năm 2004. Ảnh TL

Chưa có quy định về "chứng khoán hoá" các khoản nợ

Hiện nay, môi trường thể chế cho việc xử lý nợ xấu đã được ban hành, cơ chế mua bán nợ xấu đã theo hướng thị trường với sự tham gia của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các AMC của các ngân hàng thương mại và công ty mua bán nợ tư nhân. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho các tổ chức tham gia thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh, đồng bộ.

Cụ thể, về pháp lý cho tổ chức thị trường, hiện nay, chưa có khuôn khổ pháp lý chung quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia mua bán nợ mà hiện nằm rải rác tại các văn bản khác nhau. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về việc mua bán, nợ xấu đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Về phương thức mua bán, nợ xấu, hiện tại, việc mua bán nợ, được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hóa có thể chuyển nhượng/giao dịch dễ dàng.

Thực tế, tại một số thị trường mua bán nợ phát triển, "chứng khoán hóa" được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, qua đó để giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện nay chưa có quy định về "chứng khoán hóa" khoản nợ.

Bên cạnh đó, hoạt động của 3 loại hình công ty mua bán nợ chính hiện nay là DATC, VAMC và các công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thương mại cũng chưa phát huy được hết vai trò và hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tham gia xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Do đó, tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng, một trong những định hướng để xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là phải nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.

Ưu tiên người đi vay, khó xử lý tài sản đảm bảo

Việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tạo thanh khoản cho thị trường. Từ kinh nghiệm các quốc gia, phát triển thị trường mua bán nợ bao gồm một số phương pháp như thành lập sàn giao dịch mua bán nợ, cho phép chứng khoán hóa và giao dịch sản phẩm chứng khoán hóa nợ xấu trên thị trường chứng khoán, xây dựng khung khổ pháp lý cho phép nhiều thành phần kinh tế được phép giao dịch và mua bán các khoản nợ.

Về xử lý tài sản đảm bảo, khung pháp lý tại nhiều nước trong đó có Việt Nam rất ưu tiên đối với người đi vay. Nhiều người vay mặc định biết rằng các ngân hàng không thể buộc họ trả nợ nhanh chóng và ngay cả khi các ngân hàng có tài sản thế chấp, do thời gian dài trong quá trình khởi kiện hoặc tòa án sẽ không giải quyết tranh chấp nếu không triệu tập đủ các bên liên quan.

Một số nước như Ấn Độ thay đổi khung khổ pháp lý, áp dụng phương pháp mạnh mẽ hơn để xử lý nợ xấu như là cho phép các ngân hàng được phép chiếm hữu tài sản thế chấp và bán nó mà không cần sự cho phép của tòa án.

Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của NHNN và các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính thấy rằng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, trước mắt là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong cơ chế, chính sách pháp luật đối với hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu, trong đó có: Bổ sung các chủ thể tham gia thị trường (tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng...); mở rộng phương thức mua, bán nợ (cho phép chứng khoán hóa); Có hướng dẫn cụ thể để giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (về định giá nợ và tài sản bảo đảm, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, vướng mắc trong thủ tục sang tên cho người mua tài sản bảo đảm...).

Các đối tượng ngoài ngân hàng có thể được nhận thế chấp đất

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán nợ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành một số nhiệm vụ.

Theo đó, Bộ Tài chính nghiên cứu về cơ chế chứng khoán hóa các khoản nợ. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách liên quan đến hoạt động của VAMC để phù hợp với thực tiễn hoạt động; khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và mô hình tổ chức của các công ty xử lý nợ và khai thác tài sản đảm bảo trực thuộc các ngân hàng thương mại để các công ty này thực sự tham gia vào thị trường mua bán nợ.

Đồng thời, sửa đổi các quy định về định giá, chuyển giao tài sản quy định trong Thông tư 09/2015/TT-NHNN về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng… và các nội dung khác liên quan đến hoạt động mua bán nợ của VAMC, AMC, tổ chức tín dụng.

Với Bộ Tư pháp, nghiên cứu khả năng cho phép các đối tượng được nhận thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất bao gồm cả tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để trình cấp có thẩm quyền.

Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu để xử lý các bất cập, vướng mắc liên quan đến việc mua bán nợ thông qua đấu giá; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá liên quan đến hoạt động mua bán nợ; chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký thay đổi giao dịch bảo đảm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bên mua nợ khi thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi đối với tài sản bảo đảm đi kèm khoản nợ./.

H.Y