Biểu đồ

Trong năm 2016, dự toán chi ĐTPT từ nguồn NSNN là trên 255 nghìn tỷ đồng, tăng 60,75 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015.

Ngân sách trung ương 2016 giảm thu 13.000 tỷ đồng

Trước ý kiến cho rằng về tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng, con số thực ngân sách trung ương (NSTƯ) phân bổ chỉ còn 45 nghìn tỷ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, tổng thu NSNN năm 2016 là 1.014 nghìn tỷ đồng, tăng 103 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2015, trong đó: Thu ngân sách địa phương (NSĐP) theo phân cấp là 545 nghìn tỷ đồng, tăng 86 nghìn tỷ đồng; thu NSTƯ 469 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17 nghìn tỷ đồng.

Do đó, nếu loại trừ 30 nghìn tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp (là khoản phát sinh một lần) thì dự toán thu NSTƯ năm 2016 giảm gần 13 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giảm thu đã được Chính phủ nêu trong các báo cáo ra Quốc hội đó là: Sản lượng khai thác và giá dầu thô giảm, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập quốc tế...

Bộ Tài chính cho biết, dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN năm 2016 là trên 255 nghìn tỷ đồng, tăng 60,75 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỷ đồng). Trong đó: Chi ĐTPT của NSĐP theo phân cấp là trên 131 nghìn tỷ đồng. Chi ĐTPT của NSTƯ là trên 124 nghìn tỷ đồng, tăng 27 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015, bao gồm: vốn ngoài nước (vốn vay ODA, vay ưu đãi đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng) 50 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước 74 nghìn tỷ đồng.

Tiết kiệm chi thường xuyên để bố trí dự toán chi ĐTPT

Như vậy, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tính thêm đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ 60 nghìn tỷ đồng, đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26 nghìn tỷ thì tổng chi ĐTPT là 341,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN và chiếm 6,7%GDP (bằng dự toán năm 2015).

Ngoài ra, còn có khoản đầu tư từ nguồn thu từ tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp (khoảng 60 nghìn tỷ đồng) để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện tuyến trung ương, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Tài chính, để bố trí được dự toán chi ĐTPT mức nêu trên là nỗ lực lớn, cân đối NSTƯ năm 2016 phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (cắt 10% chi thường xuyên ngoài chi cho con người, chi đặc thù bố trí mức tối thiểu cần thiết), chưa bố trí được nguồn cải cách tiền lương và chấp nhận bố trí chi trả nợ ở mức thấp so với nhu cầu./.

H.TR