Còn một số băn khoăn

Tại Tọa đàm “Góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP” tổ chức chiều ngày 19/10, bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Luật PPP số 64/2020/QH14 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tiến hành soạn thảo 2 nghị định là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP (nghị định chung) và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) (nghị định về lựa chọn NĐT).

Đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị định chung, ông Phan Vinh Quang – Giám đốc quốc gia Dự án Nghiên cứu, đánh giá và phân tích USAID (LEAP III) - cho rằng, dự thảo vẫn còn có một số hạn chế nhất định.

Cụ thể, đối với quy định về thăm dò thị trường, tại Điều 23 dự thảo nghị định chung quy định, báo cáo nghiên cứu khả thi không yêu cầu phải thăm dò thị trường. Tuy nhiên theo ông Quang, thăm dò thị trường là rất quan trọng để xác định xem các NĐT tư nhân có quan tâm đến dự án hay không và dự án PPP có khả năng thành công hay không. Nếu không thăm dò thị trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ dành nhiều sự quan tâm cho các dự án không thật sự hấp dẫn thị trường, do đó không thể chọn được NĐT có năng lực. Mặt khác, những kết quả đầu ra xuất phát từ thị trường sẽ giúp thúc đẩy khả năng thương mại và khả năng được ngân hàng bảo lãnh của dự án, do đó, đây phải là một phần của quá trình chuẩn bị dự án.

Hay như vấn đề về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tại Điều 30 dự thảo nghị định chung quy định, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được thực hiện khi một trong các bên tham gia hợp đồng PPP có văn bản đề nghị thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn. Góp ý cho quy định này, ông Quang cho rằng, quy định như vậy có thể gây nhầm lẫn rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện sau khi có thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, từ một trong hai bên tham gia hợp đồng PPP. “Do đó, quy trình và cách thức tính toán bồi thường trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên được quy định trong hợp đồng PPP và được ban hành trong giai đoạn đấu thầu” – chuyên gia USAID đề xuất.

Luật PPP
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Thiện Trần

Hay như vấn đề về gian lận doanh thu, theo dự thảo nghị định chung, hành vi gian lận doanh thu được xác định là xuất hiện hành vi gian lận doanh thu thu được từ người sử dụng trong các hợp đồng áp dụng cơ chế thu phí từ người sử dụng hoặc gian lận khối lượng sản phẩm, dịch vụ công cung cấp trong các hợp đồng áp dụng cơ chế nhà nước thanh toán nhằm thu lợi bất chính. Tuy nhiên ông Quang cho rằng, việc xác định hành vi gian lận doanh thu chỉ nên áp dụng cho các dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu. Đối với các trường hợp khác, doanh thu thuộc về doanh nghiệp dự án nên việc điều tra doanh thu thực tế là không hợp lý.

Hợp đồng PPP cần quy định rõ về việc chia sẻ doanh thu

Góp ý cho dự thảo nghị định về lựa chọn NĐT, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo nghị định này cũng còn một số vấn đề mà cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét thêm.

Chẳng hạn, đối với quy định về cam kết sử dụng hàng hóa trong nước, tại Điều 4 dự thảo nghị định quy định, hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước NĐT cam kết sử dụng được hưởng ưu đãi khi NĐT chứng minh được hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 75% trở lên trong giá hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị. Ông Phan Vinh Quang cho rằng, cơ chế này khó thực hiện trên thực tế. Bởi, tại thời điểm đấu thầu, chủ đầu tư rất khó đưa ra được bằng chứng 75% chi phí sản xuất sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Thứ nhất, ở giai đoạn đấu thầu, chủ đầu tư chưa thể xác định được nhà cung cấp. Thứ hai, ngay cả khi nhà thầu có thể xác định được nhà cung cấp, nhà thầu không thể đảm bảo khi sản xuất được giao, các nhà sản xuất vẫn giữ nguyên cơ cấu chi phí.

Ngoài ra, dự thảo nghị định không nêu rõ các quy định, nếu NĐT trúng thầu (nhờ áp dụng các ưu đãi về cam kết sử dụng hàng hóa trong nước khi tham gia đấu thầu) nhưng không thực hiện đúng cam kết trong quá trình thực hiện thì cơ chế xử lý như thế nào? Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chấm dứt hợp đồng không? Giải pháp nào nếu NĐT tư nhân có lý do chính đáng (ví dụ lý do bất khả kháng) để giải thích cho việc không sử dụng hàng hóa trong nước?...

Cũng đóng góp ý kiến cho các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP, Luật sư Lê Nết – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, đối với vấn đề chia sẻ doanh thu, theo Điều 82 Luật PPP, doanh nghiệp dự án được chia sẻ rủi ro trong một số trường hợp, như doanh thu từ dự án không đạt 75% doanh thu dự kiến trong năm tài chính. Do đó, tại Phụ lục IV – Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng, dự thảo nghị định cần quy định thêm: doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ phải hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất trước khi yêu cầu cơ quan nhà nước chia sẻ rủi ro, và nếu doanh thu thực tế quá thấp so với doanh thu dự kiến liên tục trong 3 năm, cơ quan ký kết hợp đồng có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng cần quy định rõ ràng quy trình thanh toán do chia sẻ rủi ro, các tài liệu mà doanh nghiệp dự án cần chuẩn bị, thời gian chấp thuận của cơ quan ký kết và thẩm quyền thanh toán của cơ quan ký kết, nếu quỹ dự phòng của dự án không đủ để thanh toán…/.

Diệu Thiện