Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Xây dựng), trong tháng 4/2025, toàn ngành khai thác 22.295 chuyến bay, trong đó, số lượng chuyến bay cất cánh đúng giờ là 12.821. Như vậy, tỷ lệ đúng giờ trung bình (OTP) của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt 57,5%, giảm 11,7 điểm phần trăm so với tháng liền trước và thấp nhất từ đầu năm.
So sánh tỷ lệ đúng giờ các hãng bay Theo đó, Bamboo Airways là hãng bay đúng giờ nhất, với OTP đạt 80,8% và dẫn đầu toàn ngành. Các hãng hàng không Pacific Airlines, VASCO và Vietravel Airlines lần lượt ghi nhận tỷ lệ đúng giờ là 80%, 72,8% và 71,5%. Vietnam Airlines có tỷ lệ bay đúng giờ là 69%, trong khi hãng hàng không Vietjet khai thác 43,3% chuyến bay đúng giờ trong tháng 4/2025. |
Về tỷ lệ hủy chuyến, trong tháng 4/2025, toàn ngành có 0,6% số lượng chuyến bay bị hủy, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng liền trước.
Trong đó, các hãng có tỷ lệ hủy chuyến cao nhất là VASCO (hủy 2% số chuyến), Pacific Airlines (hủy 1,1% số chuyến) và Vietravel Airlines (hủy 1% số chuyến). Bamboo Airways cũng là hãng duy nhất không hủy chuyến bay nào trong tháng 4/2025.
Trong tháng 4, tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận nhiều chuyến bay bị điều chỉnh giờ, chậm kéo dài, thậm chí có chuyến trễ từ 8 - 12 tiếng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc có hãng hàng không thay đổi đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), dẫn đến gián đoạn trong quá trình phục vụ hành khách.
Đồng thời, sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận tàu bay để phục vụ cao điểm dịp lễ 30/4 - 1/5 và bắt đầu đưa vào khai thác nhà ga mới T3. Dù các đơn vị phối hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, vẫn xảy ra tình trạng hành khách bị chậm, hủy chuyến do đi nhầm nhà ga. Do đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng chấn chỉnh và khắc phục các bất cập, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
![]() |
Đồ hoạ: Ánh Tuyết. |
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm hè năm 2025 (từ ngày 15/5 đến ngày 15/8/2025), các hãng hàng không nội địa dự kiến khai thác 68.558 chuyến bay trên các đường bay nội địa, trung bình 745 chuyến/ngày, tăng tương ứng 21% và 18%. Tải cung ứng đạt xấp xỉ 14 triệu ghế, tăng tương ứng 21% và 18% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024.
Các đường bay đi/đến các điểm du lịch như: Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn được các hãng tập trung khai thác hơn 20 nghìn chuyến, chiếm 30% tổng số chuyến khai thác, tăng tương ứng 32% và 20%. Tải cung ứng gần 4,1 triệu ghế, tăng tương ứng 30% và 21% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024. Đây cũng là nhóm đường bay được dự báo sẽ đắt khách dịp cao điểm hè này.
Bên cạnh đó, các đường bay trục như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, dự kiến khai thác 26,8 nghìn chuyến bay, chiếm tỷ trọng 39%, tăng tương ứng 24% và 14%. Tải cung ứng gần 5,9 triệu ghế, tăng tương ứng 22% và 14% so với lịch bay khi chưa tăng chuyến và hè năm 2024.
Trong dịp hè năm 2025, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trên các tuyến du lịch trọng điểm đến các thành phố biển. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các hãng hàng không nội địa đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khai thác cao điểm hè.
Bamboo Airways dự kiến đón thêm tàu bay và đưa vào khai thác từ đầu tháng 6 để tăng cường tải khai thác trong giai đoạn hè, bên cạnh việc tập trung khai thác các chuyến bay kết nối các điểm đến du lịch nổi tiếng như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Bangkok…
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cho biết sẽ đưa vào khai thác các đường bay quốc tế mới đi Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong tháng 6 và 7/2025. Vietjet Air dự kiến cung cấp thêm 1.600 chuyến bay dịp cao điểm hè./.