Hội thảo có sự tham gia của PGS. TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, TS. Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), các nhà quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp trong và ngoài trường, và đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viên nghiên cứu trong cả nước, như: Học viện Tài chính; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Thương mại; Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh….

Nhiều cơ hội và thách thức

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Quản trị Kinh doanh nhận xét, kế toán, kiểm toán và tài chính là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng.

Kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới
Quang cảnh hội thảo với chủ đề "Kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới", diễn ra ngày 15/7/2022. Ảnh: Đức Minh

Trong bối cảnh mới, cũng giống như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, kế toán, kiểm toán và tài chính đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức bởi tác động của cách mạng công nghệ số mang lại. Điều này, đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu và đổi mới các chính sách về quản lý kinh tế cũng như các chính sách về tài chính, kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

Theo TS Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, “hội thảo là cơ hội để cán bộ làm chính sách được nghe những thông tin từ thực tiễn, bàn về những vấn đề liên quan tới khung pháp lý, triển khai hệ thống kế toán, kiểm toán ở Việt Nam. Những nội dung thảo luận và Kỷ yếu của hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề đề mới, cần quan tâm từ góc độ hội nhập, thực tiễn mà cơ quan quản lý nhà nước về kế toán của Bộ Tài chính cần lưu ý trong quá trình xây dựng khung pháp lý và triển khai sau này”

Chiến lược phát triển kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán – kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán đảm bảo ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng lẫn chất lượng, được quốc tế thừa nhận; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán – kiểm toán, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp; Thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán tại Việt Nam.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều công việc lớn, trọng tâm là đổi mới hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, mức độ tương thích về lĩnh vực này với khu vực và thế giới còn hạn chế. Hoạt động kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam vận hành còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nhà trưởng tổ chức hội thảo với mong muốn tạo ra diễn đàn chia sẻ, trao đổi, thảo luận các vấn đề mới phát sinh về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính.

Định hướng phát triển và tương lai của kế toán, kiểm toán Việt Nam

Tại hội thảo các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, người làm công tác kế toán, kiểm toán và tài chính tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề mới phát sinh về lý luận và thực tiễn ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính. Đồng thời, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo khối ngành kinh tế, kế toán - kiểm toán - tài chính và các doanh nghiệp Việt Nam… trong việc ban hành, vận dụng và đổi mới chính sách, chế độ và chiến lược phát triển cũng như đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

Điều hành phiên thảo luận, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, kế toán không thuần túy là bộ phận cấu thành của hệ công cụ quản lý kinh tế - tài chính mà còn là một khoa học quản lý luôn đi cùng và đổi mới cùng cơ chế quản lý kinh tế tài chính. Kiểm toán Việt Nam đã hình thành và phát triển từ khi Việt Nam đổi mới và cải cách cơ chế quản lý kinh tế.

Trải qua gần 40 năm, kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có quá trình đổi mới và phát triển quan trọng, đã được cải cách rất căn bản, từng bước tiệm cận với thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế và khu vực.

Ở trong nước, kế toán và kiểm toán đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thành công chung của kinh tế - xã hội, vào sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, sự tin cậy của hệ thống thông tin tài chính. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, những phát triển mới cho kế toán và kiểm toán Việt Nam.

Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, trong bối cảnh mới, chức năng của kế toán sẽ có bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Kế toán là ngôn ngữ kinh doanh, con số kế toán là con số biết nói. Cần sớm đổi mới quy trình kế toán, phương pháp kế toán. Khẩn trương đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo các ngành kế toán, tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số. Nâng cao giá trị doanh nghiệp, xây dựng các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp và giải pháp tài chính phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập....

Kế toán, kiểm toán và tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới

“Sự xuất hiện của 5 công nghệ: Internet vạn vật (IoT); Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big data); Điện toán đám mây (Cloud); Chuỗi khối (Blockchain) có tác động mạnh mẽ đến quy trình, phương pháp và chức năng, nhiệm vụ của kế toán, kiểm toán và tài chính. Dữ liệu các lĩnh vực này không chỉ được kết nối với nhau chặt chẽ, đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, bảo mật cao mà luôn cập nhật, tổ chức kế toán, kiểm toán, quản trị tài chính trong doanh nghiệp linh hoạt hơn, giúp rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất nghề nghiệp và báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị” - TS Nguyễn Trọng Nghĩa – Hiệu trưởng Trường UFBA cho biết.