Cần có một trung tâm tư vấn phát triển cho vùng Đông Nam bộ Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ sẽ diễn ra vào chiều 29/7 Tìm giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ Thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh” là vô cùng quan trọng
Ông Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại diễn đàn.

Vai trò “đầu tàu” của TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, phát triển kinh tế vùng là tất yếu khách quan, là mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế khu vực và đất nước. Tại đây, các thế mạnh, các tiềm lực của mỗi tỉnh sẽ được khai thác, ưu tiên để phục vụ sự phát triển kinh tế chung.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vị trí địa lý thuận lợi để thành phố trở thành đầu tàu phát triển. Sự phát triển của thành phố tạo nguồn lực cơ bản để hỗ trợ khu vực lân cận. Trong đó, doanh nghiệp là các cơ sở, là tế bào của nền kinh tế có vai trò quan trọng trong sự phát triển này.

Thông qua hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động, cung cấp sản phẩm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cho xã hội. Không những thế, doanh nghiệp còn tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách thành phố và cả nước.

Với số lượng gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thành phố đóng góp gần 30% ngân sách cả nước, rất nhiều các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới đã phát sinh, phát triển và mở rộng từ các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Vai trò dẫn dắt đối với cộng đồng doanh nghiệp

Trong xu hướng phát triển kinh tế dựa vào chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố càng đóng vai trò quan trọng hơn. Bởi vì thành phố là trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo thực hành công nghệ mới. Thành phố tập trung hầu hết các trường đào tạo và viện khoa học. Các tiến bộ khoa học, công nghệ được doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ và triển khai. Nhờ đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại các doanh nghiệp đã tạo ảnh hưởng nhất định đến sự cải cách của chính quyền và doanh nghiệp các tỉnh bạn.

Hoạt động của các doanh nghiệp thành phố bao phủ trên tất cả các ngành nghề, từ công nghiệp tới nông nghiệp, từ du lịch tới thương mại, xây dựng, từ công nghệ tới dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng…

Hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành đều có trụ sở, hoặc chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tác động nhanh chóng, tích cực tới các ngành kinh tế khu vực.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lớn của thành phố luôn có chi nhánh, nhà xưởng ở các tỉnh lân cận. Nhờ đó, họ thu hút lao động và tận dụng tài nguyên của tỉnh đó.

Không những thế, hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp cho khu vực sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn cho thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân và tạo sự tác động lan tỏa cho sự phát triển các tỉnh đó.

Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp khu vực các tỉnh phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng và sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp thành phố, ví dụ như hệ thống giao thông thành phố, cầu cảng… Do đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố là yêu cầu cấp thiết, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và toàn miền Nam nói chung.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa (ngoài cùng bên trái) và đại diện các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có mặt tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa (ngoài cùng bên trái) và đại diện các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có mặt tại diễn đàn.

Cần sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của chính quyền

Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp và các hiệp hội có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, để xứng tầm trở thành đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp trong vùng, thì các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền trên các mặt.

Trước tiên, chính quyền cần xây dựng hành lang pháp lý rộng rãi, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Thuận lợi về pháp lý, thủ tục, doanh nghiệp mới dồn toàn lực vào hoạt động kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội, tạo thu nhập tốt cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và mở rộng đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế khu vực.

Bên cạnh đó, chính quyền cần rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật cho sự đầu tư, mở rộng, liên kết, phát triển kinh tế vùng, nhất là các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng đầu tư trong khu vực.

Cũng theo ông Nghĩa, các tỉnh, thành phố cần xây dựng Hiệp hội doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực. Thường xuyên giao lưu giữa doanh nghiệp tỉnh, thành phố thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, cơ hội hợp tác. Từ đó, tạo sự đồng thuận cùng phát triển, cùng kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế khu vực.

Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức Hội của thành phố, các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh… Thành phần Hiệp hội bao gồm trên 70 tổ chức thành viên là các Hội quận huyện, các hội, Câu lạc bộ ngành nghề với tổng số trên 14.000 hội viên.