Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều diễn giả có uy tín.

Diễn đàn có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo nhiều sở, ngành các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam Bộ: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing…

Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả: PGS. TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Giáo sư Trương Nguyện Thành; TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; PGS. TS. Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Maketting; Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương; PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự diễn đàn còn có đại diện một số bộ, ngành liên quan; đại diện gần 200 doanh nghiệp và các hội, hiệp hội doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ…

Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển
TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể.

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước. Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…

Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển

Cùng với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hậu Covid-19, ghi nhận hiện nay cho thấy, các hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang dần trở nên sôi động. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Đối với các địa phương, đón đầu xu thế hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số nhưng không quên hóa giải nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành trong cả nước đang nỗ lực phát triển theo hướng “xanh hóa” vừa tích cực khai phá tốt thế mạnh mỗi địa phương, vừa nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kết nối chia sẻ nguồn lực, kết nối đầu tư, tập trung huy động mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh được đánh giá là chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là chiến lược định vị thương hiệu trong tương lai của doanh nghiệp, thông qua sản phẩm và dịch vụ hướng tới yếu tố tuần hoàn và bền vững.

Cũng theo ông Phạm Thu Phong, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 cũng như nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch định hướng khôi phục kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trong bối cảnh hậu Covid-19, với quan điểm tăng trưởng xanh là một nội dung hàng đầu để phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển
Toàn cảnh diễn đàn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững…

Việc nghiên cứu, phân tích, làm rõ những cơ hội, thách thức về tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và từ đó đưa ra giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy khôi phục và phát triển nền kinh tế bền vững song song với bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt đối với vùng Đông Nam Bộ.

Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển” ghi nhận sự tham gia hưởng ứng và đánh giá cao từ phía các đại biểu tham dự, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hội và hiệp hội doanh nghiệp.

Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng thời là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… đưa kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.