thương mại điện tử

Quang cảnh hội nghị tham vấn dự thảo đề án QLTMDT do Tổng cục Hải quan và USAID tổ chức. Ảnh: Vũ Phương

Ngày 12/9, Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo đề án QLTMĐT có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành có liên quan và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN).

Yêu cầu cấp bách của nền kinh tế mở

Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Hải quan đã trình bày dự thảo đề án nêu bật được sự cần thiết, cấp bách của việc QLTMĐT đối với nền kinh tế Việt Nam; đồng thời, khẳng định TMĐT là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài sự phát triển này.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018 có 1,6 tỷ người trên toàn cầu mua sắm trực tuyến. Dự kiến, năm 2019 kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu ước tính 3,4 nghìn tỷ USD và con số này tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

Tại Việt Nam, sau 20 năm xuất hiện, Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển. Báo cáo ba năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019) về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25% đến 30%. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có độ mở cao với việc thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do, kim ngạch XNK đã vượt mốc 400 tỷ USD/năm và đạt mức tăng trưởng hơn 15%/ năm…

Khi thương mại điện tử qua biên giới phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội song cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý hoạt động XNK khi các phương thức giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển đa dạng.

Cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Dự án Tạo thuận lợi thương mại, đại diện các bộ, ngành và cộng đồng DN, đại diện cơ quan hải quan đều thống nhất quan điểm cần thiết xây dựng đề án và cũng lường trước những thách thức trong QLTMĐT.

Trên thực tế, hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK hiện nay đang chịu sự quản lý của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì việc quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung đang được Chính phủ giao Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, bên cạnh đó, việc quản lý đối với hoạt động XNK của hàng hóa đang được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính.

Hạn chế là các quy định nêu trên chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử gặp khó khi số lượng các sàn giao dịch, trang bán hàng điện tử tăng với tốc độ cao…

Cơ quan hải quan cũng gặp khó khăn khi số lượng các lô hàng tăng nhanh cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan hàng hóa; ngăn chặn được các lô hàng cấm, hàng hạn chế XNK, chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Để đáp ứng được yêu cầu quản lý hoạt động giao dịch TMĐT, tại dự thảo đề án Tổng cục Hải quan đề xuất mô hình hoạt động và phương thức quản lý đối với 2 loại hình chính tại Việt Nam.

Một là, hoạt động TMĐT mà người mua thực hiện đặt hàng sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam, không phân biệt đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không.

Hai là, áp dụng quản lý đối với hoạt động TMĐT mà DN kinh doanh TMĐT thực hiện vận chuyển hàng về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang TMĐT. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực.

Về giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK, dự thảo đề án QLTMĐT đề xuất áp dụng với 3 đối tượng tham gia giao dịch chính là người mua được hưởng các chính sách về thuế, kiểm tra chuyên ngành; người bán; chủ hàng hóa tại kho ngoại quan.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, đề án đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK. Tuy nhiên, TMĐT là lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, rộng lớn và phức tạp, do đó cần tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn để đề án QLTMĐT có tính khả thi cao, đảm bảo quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực TMĐT; đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa…/.

Vũ Phương - Ngọc Linh