Khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp qua mức độ tuân thủ luật pháp

PV: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã qua 7 tháng thí điểm thực hiện, với hơn 200 DN đã trở thành thành viên và bước đầu nhận thấy những lợi ích. Vậy từ phía cơ quan hải quan, thực tế triển khai có thuận lợi như kế hoạch không, thưa ông?

Khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp qua mức độ tuân thủ luật pháp
Ông Hồ Ngọc Phan

Ông Hồ Ngọc Phan: Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài Chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các nghị quyết của Chính phủ hàng năm. Trong quá trình triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, ban ngành, các hiệp hội, DN tham gia.

Trong giai đoạn thí điểm, ban đầu DN còn dè dặt trong việc đề xuất nhu cầu hỗ trợ tại các địa bàn cục hải quan khác nơi mở tờ khai. Tuy nhiên, sau thời gian được Nhóm chuyên gia hỗ trợ, hướng dẫn, việc hỗ trợ DN về cơ bản đã được thuận lợi. DN và cơ quan hải quan đã cùng thực hiện phối hợp trao đổi thông tin để kịp thời giải đáp các vướng mắc.

PV: Những lợi ích thiết thực của chương trình đã được chứng minh. Song, thực tế, có lẽ một bộ phận DN sẽ chưa thấy rõ và nhận thức đầy đủ được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia chương trình. Điều đó dẫn đến việc phối hợp, hợp tác với cơ quan hải quan trong quá trình triển khai còn hạn chế. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Hồ Ngọc Phan: Đó đúng là một điểm khó mà cơ quan hải quan phải đối diện trong quá trình triển khai chương trình. Để thực sự hiệu quả, cơ quan hải quan mong muốn cộng đồng DN cần hiểu rõ một số vấn đề.

Đầu tiên, chương trình mang tính chất đối tác, trên nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo hai bên tham gia đều có lợi ích; đồng thời cũng đóng góp vào việc xây dựng một môi trường tạo thuận lợi thương mại trên cơ sở tự nguyện tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Trong đó, lợi ích cụ thể của DN là được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo thuận lợi riêng của cơ quan hải quan trong khuôn khổ chương trình; giúp DN giảm thời gian, chi phí trong quá trình hoạt động XNK, làm thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, chương trình được xây dựng với chủ trương giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, hành chính. Trên cơ sở hệ thống đánh giá khách quan về dữ liệu thông tin hoạt động của DN, cơ quan hải quan sẽ xác định DN thuộc diện cần khuyến khích tuân thủ để chủ động mời DN tham gia. Do vậy, các thủ tục xin tham gia chương trình rất đơn giản, hoàn toàn không tốn thời gian, chi phí đăng ký, xin tham gia.

Đặc biệt, được công nhận là thành viên chương trình, DN đã được cơ quan hải quan ghi nhận quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Đây cũng là một ưu thế, khẳng định về uy tín, thương hiệu DN đối với các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước trong hoạt động kinh doanh, XNK.

PV: Con số 207 DN tham gia vẫn còn khá khiêm tốn, trên tổng số hàng trăm nghìn DN đang hoạt động XNK hiện nay. Định hướng sắp tới của Tổng cục Hải quan như thế nào để mở rộng chương trình này cho nhiều DN có điều kiện trở thành thành viên hơn nữa, thưa ông?

Ông Hồ Ngọc Phan: Hiện nay Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế để mở rộng đối tượng tham gia chương trình; thực hiện rà soát, lựa chọn và lọc ra các DN thực sự có nhu cầu tham gia, cần được cơ quan hải quan khuyến khích để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật để triển khai trong thời gian tới.

Để tăng số lượng DN tham gia, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho DN hoạt động XNK hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của DN khi tham gia chương trình.

Cùng với đó, ngành Hải quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp cục đến chi cục hải quan.

Cơ quan hải quan cũng sẽ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai cũng như học tập kinh nghiệm, kiến thức, thông lệ tốt nhất của WCO (Tổ chức Hải quan Thế giới) và các nước tiên tiến trong lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa các nội dung chương trình để đảm bảo phù hợp với các văn bản quy trình, quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý để đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Điểm cần lưu ý là cơ quan hải quan sẽ tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động của DN và kiểm tra định kỳ việc thực hiện, triển khai các hoạt động hỗ trợ của đơn vị hải quan các cấp trong khuôn khổ chương trình.

Quá trình theo dõi, đánh giá, cơ quan hải quan sẽ tiến hành thu hồi tư cách thành viên và các quyền lợi của DN tham gia chương trình trong các trường hợp phát sinh nguy cơ rủi ro cao liên quan đến hoạt động tội phạm, buôn lậu, trốn thuế, vi phạm pháp luật về môi trường; bị xử lý về các hành vi vi phạm hải quan; không thực hiện hoặc vi phạm các cam kết theo biên bản ghi nhớ; không có ý thức hợp tác với cơ quan hải quan trong việc nâng cao tuân thủ…

PV: Xin cảm ơn ông!