Kiến nghị xử lý nhiều tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp. Qua hoạt động TTKT, các bất cập trong cơ chế, chính sách, chế độ hiện hành đã được phát hiện kịp thời và được các cấp KBNN kiến nghị bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của KBNN trong quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước.

Theo báo cáo từ KBNN, trong năm 2022, toàn hệ thống đã thực hiện được 217 cuộc thanh tra chuyên ngành (TTCN), đạt 100% kế hoạch phê duyệt. Qua TTCN, các đơn vị KBNN đã kiến nghị xử lý về kinh tế trên 4,2 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi trên 3,8 tỷ đồng (trong đó thu về ngân sách nhà nước (NSNN) trên 2 tỷ đồng; về tổ chức, đơn vị trên 1,7 tỷ đồng); số tiền kiến nghị xử lý khác 470 triệu đồng.

Ông Tuấn cho biết, qua công tác TTCN của KBNN đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về NSNN, thực hiện nghiêm quy định quản lý và sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm.

Trong công tác kiểm tra nội bộ, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện 1.129 cuộc, gồm 928 cuộc theo kế hoạch và 201 cuộc đột xuất. Trong đó, Vụ TTKT thực hiện 10 cuộc, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch phê duyệt; 7 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo KBNN.

Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Phú Thọ.
Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Phú Thọ.

Qua kiểm tra nội bộ, KBNN đã kiến nghị xử lý về kinh tế 347 triệu đồng; số tiền kiến nghị thu hồi 347 triệu đồng (trong đó thu về NSNN 347 triệu đồng); số tiền kiến nghị xử lý khác 470 triệu đồng.

Công tác TTKT nội bộ đã giúp các đơn vị KBNN phát hiện những sai sót và có chấn chỉnh, hỗ trợ kịp thời cho công tác quản lý, điều hành NSNN.

Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra

Ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, hiện đại hóa công tác TTKT là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Do đó, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, KBNN sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa công tác này.

Trước mắt, trong năm 2023, toàn hệ thống KBNN sẽ bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN trong quản lý điều hành tài chính ngân sách để xây dựng kế hoạch TTKT nội bộ theo trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, cấp thiết và đảm bảo thời hạn quy định; triển khai các cuộc TTKT, kiểm toán theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra có tâm và có tầm

Ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, chất lượng cán bộ sẽ quyết định chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT). Do đó, trong năm 2023 và các năm tiếp theo Kho bạc Nhà nước, KBNN tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng TTKT, đào tạo, tập huấn cho công chức làm công tác TTKT về kỹ năng khai thác, sử dụng kho thông tin dữ liệu điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức TTKT để đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Đồng thời, KBNN thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ TTKT trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn; tăng cường nghiên cứu khoa học về hoạt động TTKT.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, trong năm 2023, toàn hệ thống sẽ từng bước hiện đại hóa công tác TTKT giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TTKT, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình ứng dụng, kho dữ liệu của KBNN. Theo đó, KBNN sẽ chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số; triển khai giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN. Rà soát trên dịch vụ công trực tuyến của kho bạc để phát hiện các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định, báo cáo lãnh đạo KBNN để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, KBNN sẽ công khai hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử KBNN những tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác kiểm soát chi; gắn kết quả công tác kiểm soát chi tại KBNN các cấp với công tác xếp loại lao động hàng tháng, quý, năm và công tác thi đua, khen thưởng.

KBNN cũng sẽ tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị của hệ thống KBNN trong quá trình hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch TTCN. Nâng cao chất lượng công tác TTCN, đảm bảo đủ chứng lý của các kết luận thanh tra trong việc yêu cầu thực hiện các kiến nghị qua TTCN.

Đối với công tác xây dựng hệ thống TTKT, ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, toàn hệ thống sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về TTKT của KBNN phù hợp với Luật Thanh tra (sửa đổi) và các quy định pháp luật liên quan; chuẩn hóa các quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ TTKT theo từng lĩnh vực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong công tác TTKT, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, ông Tuấn cho biết, KBNN đã đề ra giải pháp thực hiện trong năm 2023 đó là: Làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo KBNN các cấp trong chỉ đạo, tổ chức công tác TTKT của hệ thống; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác TTKT, đảm bảo hoàn thành kế hoạch TTKT hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử, môi trường số

KBNN đã đặt ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình KTTT phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động của KBNN. Cụ thể là đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm chính sách chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của KBNN. Bên cạnh đó, KBNN đã tập trung xây dựng tiện ích để khai thác dữ liệu đã được số hóa từ chương trình dịch vụ công trực tuyến của kho bạc phục vụ công tác kiểm tra nội bộ. Hiện, KBNN đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử, môi trường số.

Đồng thời, KBNN cũng sẽ nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch cho từng cuộc TTKT, xác định rõ trách nhiệm, công việc của từng thành viên trong đoàn về thời gian, cách thức, phương pháp, nội dung tiến hành, biện pháp tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định, hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phân công, phân nhiệm cho các đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện một cách rõ ràng, rành mạch, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất quán và có hiệu quả. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc KBNN, giữa KBNN các cấp với Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra trên địa bàn về công tác TTCN để xây dựng, điều chỉnh, tránh việc chồng chéo, trùng lắp.

Đặc biệt, toàn hệ thống sẽ chú trọng công tác xây dựng lực lượng công chức TTCN để mỗi công chức không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững kỷ cương kỷ luật trong công tác thanh tra. Xây dựng đội ngũ công chức TTKT KBNN trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của KBNN.