Nhiều tài khoản của kho bạc được mở tại ngân hàng

Năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác định mục tiêu và phương châm hành động là: “Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch”.

Tổng giám đốc KBNN Trần Quân cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu này, KBNN đã đặt ra nhiệm vụ cho năm 2023 là tổ chức điều hành quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. KBNN phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng.

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: KBNN
Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: KBNN

Từ đầu năm đến nay, KBNN đã tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước (NQNN) cuối ngày làm việc về tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo tài khoản tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cuối ngày có số dư bằng 0 (trừ khoản thu phát sinh sau giờ ngừng truyền/nhận chứng từ cuối ngày). KBNN tổ chức điều hành NQNN đảm bảo thanh khoản của toàn hệ thống, theo phương án điều hành NQNN quý I/2023 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Đặc biệt, KBNN đã triển khai các hoạt động sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi như: cho ngân sách trung ương vay, tạm ứng và tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh, vừa đáp ứng được nhu cầu cân đối của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh, vừa tăng hiệu quả sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại (NHTM) theo phương thức đấu thầu điện tử và ký hợp đồng điện tử; mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ. Qua đó, hiệu quả sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi tăng lên, vừa hỗ trợ thị trường, đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các NHTM.

Bên cạnh đó, KBNN đã thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng theo quy định của Bộ Tài chính để thu, chi NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tính đến hết ngày 23/3/2023, đã có 2.212 tài khoản chuyên thu; 712 tài khoản thanh toán; 11 tài khoản chuyên thu tổng hợp và 5 tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN được mở tại các ngân hàng. Với các tài khoản này, KBNN vừa tăng cường cải cách hành chính, vừa tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế, gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

Tiếp tục các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính

Với các giải pháp đã thực hiện, KBNN đã thực hiện điều hành NQNN tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống. KBNN cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động quản lý NQNN để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động quản lý được an toàn, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới.

Thu hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ nhà nước nộp ngân sách gần 16.600 tỷ đồng

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, từ năm 2016, với việc ban hành khuôn khổ pháp lý về công tác quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) đã giúp cho công tác này có những cải cách mạnh mẽ, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng NQNN. Theo đó, NQNN được điều hành tập trung, chủ động nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống. Đồng thời, KBNN đã triển khai các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo quy định để tăng cường hiệu quả sử dụng NQNN, đóng góp thêm nguồn thu vào NSNN. Theo báo cáo từ KBNN, trong các năm (từ năm 2019 đến hết năm 2022), KBNN đã nộp vào ngân sách trung ương gần 16.600 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ NQNN.

Đồng thời, KBNN tiếp tục bám sát các chủ trương điều hành về kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm và dự toán NSNN năm 2023; chủ động triển khai công tác điều hành NQNN đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch.

KBNN cũng tiếp tục tập trung toàn bộ tiền gửi không kỳ hạn của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước để tập trung cho NQNN, tạo thuận lợi cho công tác chi trả của KBNN và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi, góp phần tăng thu ngân sách trung ương. Điều này cũng sẽ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá… NQNN tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho NSNN tạm ứng, vay theo quy định để tiết kiệm chi phí vay nợ của NSNN; gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước. Sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi vào các nghiệp vụ đầu tư ngân quỹ theo quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả sử dụng NQNN và tăng thu cho ngân sách.