KBNN Ninh Bình thực hiện phương thức kiểm soát chi

KBNN Ninh Bình thực hiện phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, từ nay đến cuối năm, KBNN Ninh Bình sẽ phối hợp làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, qua đó nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

* PV: Xin ông cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Ninh Bình tính đến thời điểm này?

- Ông Đinh Văn Hợp: Tính đến hết tháng 4/2020, KBNN Ninh Bình đã thanh toán được 2.025 tỷ đồng/5.482 tỷ đồng vốn kế hoạch, đạt tỷ lệ 37%. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài năm 2019 có 141 dự án với số vốn đầu tư theo kế hoạch là 1.605 tỷ đồng, đến nay đã kiểm soát tổng thanh toán là 123 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch vốn. Kế hoạch vốn năm 2020 có tổng số dự án đầu tư trên địa bàn là 408 dự án, tổng số vốn đầu tư theo kế hoạch là 3.877 tỷ đồng, đã kiểm soát tổng thanh toán là 1.901 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch vốn.

* PV: Năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên tiến độ giải ngân của nhiều địa phương bị ảnh hưởng khá lớn, vậy đối với Ninh Bình thì thế nào, thưa ông?

- Ông Đinh Văn Hợp: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ, du lịch và vận tải... Tuy nhiên, đối với ngành sản suất công nghiệp và ngành xây dựng, theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn sản xuất và xây dựng bình thường, vì vậy không ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại KBNN Ninh Bình, do phải thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị đã bố trí số lượng công chức luân phiên làm việc tại trụ sở và làm việc tại nhà, vì vậy ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ chứng từ. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, hồ sơ chứng từ chủ đầu tư gửi đến đều được tiếp nhận và làm thủ tục thanh toán ngay trong ngày, nhưng trong thời gian giãn cách, thời gian xử lý hồ sơ từ 1 đến 2 ngày.

Ông Đinh Văn Hợp
Ông Đinh Văn Hợp


* PV: Được biết, tại tỉnh Ninh Bình còn một số công trình giao thông trọng điểm có tiến độ giải ngân chậm. Ông có thể cho biết cụ thể tiến độ giải ngân, những khó khăn về giải ngân của các công trình này?

- Ông Đinh Văn Hợp: Tại Ninh Bình hiện nay có một số dự án giao thông có tiến độ giải ngân chậm. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường Bái Đính – Kim Sơn, kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2020 là 210,4 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa duyệt được thiết kế bản vẽ thi công.

Dự án xây dựng tuyến đường Bái Đính - Ba Sao, kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2020 là 107 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng mới được khoảng 30%, do đó nhà thầu không có mặt bằng để thi công.

Hạng mục giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, kế hoạch vốn năm 2020 là 461,8 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 105,3 tỷ đồng đạt 22,8% kế hoạch vốn. Nguyên nhân chậm giải ngân là do các chủ đầu tư chưa xong thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án, dự toán đền bù giải phóng mặt bằng.

* PV: Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là vô cùng quan trọng và yêu cầu không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn. Ông có thể cho biết những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ giờ đến cuối năm của KBNN Ninh Bình?

- Ông Đinh Văn Hợp: Từ nay đến cuối năm, KBNN Ninh Bình sẽ phối hợp làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, qua đó nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và giải ngân cụ thể của từng dự án theo thẩm quyền. Đồng thời, đơn vị sẽ tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp tháo gỡ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, KBNN Ninh Bình sẽ chỉ đạo công chức kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.

Đặc biệt, KBNN Ninh Bình sẽ tập trung chú trọng thực hiện cải cách hành chính, thực hiện phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của KBNN. Đồng thời, thông báo với chủ đầu tư, ban quản lý dự án về phương thức thực hiện kiểm soát chi của KBNN, thực hiện phương thức kiểm soát chi này sẽ rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp hợp lệ của đơn vị.

Ngoài ra, KBNN Ninh Bình sẽ nâng cao chất lượng công tác tổng hợp báo cáo, thực hiện nhập số liệu vào chương trình tổng hợp báo cáo đầy đủ ngay khi có phát sinh thanh toán, đáp ứng kịp thời, chính xác số liệu báo cáo để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo. Cùng với đó, tiếp tục triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến KBNN nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất về cải cách thủ thục hành chính hiện nay.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)