Thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót

Để công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chế, quy trình nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra phù hợp theo từng lĩnh vực được thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, thanh tra KBNN chính thức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, với đầy đủ hành lang pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, KBNN cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần đáng kể vào việc duy trì, ổn định của cả hệ thống KBNN khi kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, sai sót, cảnh báo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đồng thời, kết quả thanh tra, kiểm tra cũng góp phần chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, sai phạm để từ đó có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Đáng chú ý, công tác thanh tra chuyên ngành KBNN đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có ý thức chấp hành nghiêm việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) hiệu quả, tiết kiệm, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về NSNN.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Tiến tới kho bạc số, công tác thanh tra, kiểm tra tại KBNN cũng sẽ được cải cách, hiện đại hóa để phù hợp với chiến lược của KBNN đến năm 2030. Cụ thể, thời gian tới, KBNN sẽ chuyển dần phương thức kiểm soát thanh toán tiền kiểm sang "hậu kiểm", theo cơ chế quản lý rủi ro. Theo đó, nhiều khoản chi NSNN qua KBNN sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau và công tác hậu kiểm được giao cho thanh tra chuyên ngành KBNN thực hiện.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 của KBNN đã hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT mức độ 4 của KBNN, với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi NSNN phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc. Nhằm hỗ trợ công chức thanh tra, kiểm tra tiếp cận chứng từ, hồ sơ, tài liệu do đơn vị sử dụng ngân sách gửi qua DVCTT, từ tháng 12/2020, KBNN đã triển khai chương trình tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT, hiện nay đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng. Đây là bước khởi đầu quan trọng đánh dấu việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của KBNN.

Định hướng đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra

Nhằm nâng cao vai trò, vị thế hoạt động thanh tra, kiểm tra KBNN; phát triển chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN đến 2030, KBNN phải luôn coi trọng công tác hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra, quyết liệt thay đổi thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa.

KBNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; đổi mới nội dung, phương thức, quy trình thanh tra, kiểm tra gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm khai thác triệt để nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình ứng dụng, kho dữ liệu của KBNN; từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số nhằm cảnh báo sớm rủi ro, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ và nội bộ của hệ thống KBNN.

Xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra trên cơ sở đánh giá rủi ro

Trong Quyết định số 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 có đưa ra yêu cầu về việc hiện đại hóa công tác thanh tra – kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra chuyên ngành của Kho bạc Nhà nước trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra và thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro; xây dựng quy chế và thực hiện kiểm toán nội bộ Kho bạc Nhà nước; tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính - ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách và các địa phương.

Theo ông Tuấn, để thực hiện mục tiêu này, công tác thanh tra, kiểm tra của KBNN cần phải tiếp tục được tăng cường ứng dụng CNTT và vận dụng linh hoạt các phương thức, phương pháp kiểm tra song song với việc hoàn thiện, sắp xếp, bố trí, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, đảm bảo trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, có phương tiện, công cụ, tiện ích hỗ trợ cho công chức thanh tra, kiểm tra trong thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước mắt, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các nội dung đã giám sát trên các chương trình ứng dụng CNTT của KBNN, nội dung hiện chưa thực hiện được giám sát từ xa; đề xuất các yêu cầu nghiệp vụ để triển khai hoạt động giám sát từ xa trên các chương trình ứng dụng CNTT của KBNN.

Đồng thời, KBNN tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm toán nội bộ của KBNN; hoàn thiện quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai thí điểm kiểm toán nội bộ.

Đặc biệt, KBNN tăng cường kiểm tra đột xuất KBNN các cấp, đặc biệt là công tác kiểm tra đột xuất của KBNN cấp tỉnh với các đơn vị trực thuộc; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác thanh tra; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua các cuộc kiểm tra tại KBNN cấp tỉnh, huyện; bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát từ xa, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các rủi ro có thể gây mất an toàn tiền và tài sản nhà nước giao KBNN quản lý.

Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống KBNN đã thực hiện 468 cuộc thanh tra, kiểm tra và thanh tra chuyên ngành (trong đó có 350 cuộc theo kế hoạch và 118 cuộc đột xuất). Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chủ yếu về công tác chi NSNN cho hoạt động thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành…

Qua thanh tra, kiểm tra và thanh tra chuyên ngành, KBNN đã phát hiện 84 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã kiến nghị xử lý tài chính 262 triệu đồng. Trong đó, thu NSNN 197 triệu đồng, kiến nghị khác 58 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng. Các đơn vị thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra đã nộp NSNN 326 triệu đồng.

Đồng thời, KBNN đã tổ chức triển khai 3 đoàn kiểm đột xuất công tác đảm bảo an toàn kho quỹ tại 10 KBNN tỉnh, thành phố. Thông qua công tác kiểm tra đã giúp cho các đơn vị KBNN thấy được những tồn tại, sai sót và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Sau khi kết thúc các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong hệ thống.

Tại buổi sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vừa được KBNN tổ chức sáng ngày 11/7 vừa qua, ông Trần Quân - Tổng giám đốc KBNN, cho biết trong 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án Định hướng công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này sẽ là cơ sở để cải cách, đổi mới đồng bộ, toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra của toàn hệ thống trong thời gian tới.

Đồng thời, KBNN sẽ tăng cường giám sát từ xa cũng như tổ chức kiểm tra đột xuất công tác kiểm soát chi NSNN, công tác an toàn kho quỹ tại một số KBNN tỉnh, thành phố để nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát; đồng thời nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm.