kb

Dịch vụ công trực tuyến đã giúp các giao dịch được xử lý nhanh, các đơn vị sử dụng ngân sách tiết giảm chi phí.

Việc “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng) là điểm nhấn quan trọng của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2020 vì vừa thực hiện thành công mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử, vừa mang lại cho khách hàng phương thức giao dịch hiện đại, giảm thời gian và chi phí… Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về tiến trình trở thành kho bạc số vào năm 2030, ông Bùi Thế Phương - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Kho bạc Nhà nước cho biết, Kho bạc Nhà nước đang lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.

PV: Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020 đúng như mục tiêu trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đặt ra. Ông có thể cho biết một vài kết quả nổi bật mà Cục Công nghệ thông tin (CNTT) đã làm được trong tiến trình đi tới kho bạc điện tử này?

Ông Bùi Thế Phương: Để tiến đến mục tiêu kho bạc điện tử có nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện trên cả phương diện nghiệp vụ và phương diện kỹ thuật công nghệ. Theo đó, với chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục CNTT - KBNN đã xây dựng và triển khai một số hệ thống ứng dụng CNTT nhằm chuyển đổi phương thức giao dịch và quản lý sang nền tảng điện tử như: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cung cấp cho 100% số đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia (trừ đơn vị thuộc khối mật) để đơn vị gửi chứng từ điện tử và hồ sơ điện tử đến đơn vị kho bạc nơi giao dịch; cung cấp khả năng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ ngân sách trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc).

phuong

Ông Bùi Thế Phương

Xây dựng các hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ hàng chục nghìn cán bộ trong toàn hệ thống thực hiện công tác kiểm soát chi ngân sách, kế toán ngân sách và thanh toán điện tử giữa KBNN với hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, xây dựng hệ thống phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa KBNN với ngân hàng thương mại, nhằm tập trung nhanh chóng các khoản thu.

Cùng với đó là xây dựng hệ thống tiếp nhận trực tuyến thông tin tài chính nhà nước và tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước của từng địa phương và báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc. Xây dựng các hệ thống quản lý trái phiếu và hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước.

PV: DVCTT được coi là bước cải cách đột phá để đưa KBNN trở thành kho bạc điện tử khi mọi giao dịch đều được thực hiện trên môi trường mạng internet. Xin ông cho biết trong quá trình triển khai, có những thuận lợi và khó khăn gì và những giải pháp nào đã được thực hiện để vượt qua những khó khăn này?

Ông Bùi Thế Phương: Đến hết năm 2020, KBNN đã tổ chức triển khai hệ thống DVCTT đến 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc phải thực hiện. Lượng giao dịch chi ngân sách trên DVCTT đạt 98% tổng số giao dịch chi NSNN. Việc triển khai hệ thống DVCTT giúp hình thành kênh giao dịch điện tử vừa giúp các giao dịch được xử lý nhanh, vừa giúp giảm chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Triển khai DVCTT, KBNN cũng gặp một số thuận lợi khi nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính và lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn được xây dựng và ban hành kịp thời cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ hỗ trợ trước khi đưa vào vận hành hệ thống DVCTT. Đáng chú ý, các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) có quyết tâm cao với những cải cách của KBNN, vì vậy trong thời gian ngắn (khoảng 1 năm) đã hoàn thành được khối lượng rất lớn công việc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có không ít khó khăn phát sinh. Đơn cử như về phạm vi triển khai hệ thống DVCTT rộng, đa dạng về năng lực ứng dụng CNTT (có trên 90.000 đơn vị SDNS, mỗi đơn vị có từ 3 đến 6 người dùng). Hay như khối lượng chứng từ và hồ sơ nhiều (trung bình mỗi ngày có khoảng gần 200.000 chứng từ, mỗi chứng từ đi kèm là các file hồ sơ đã scan có dung lượng lớn (tính theo MB), những ngày cao điểm cuối năm lên đến trên 400.000 chứng từ…

Để khắc phục những khó khăn này, hệ thống KBNN đã tổ chức truyền thông, tuyên truyền, hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn và hình thành các tài liệu, cẩm nang. Đồng thời, KBNN hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thường xuyên tối ưu hóa đối với phần mềm ứng dụng để đáp ứng khối lượng giao dịch và khối lượng đơn vị SDNS lớn.

PV: Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 có đặt ra mục tiêu kho bạc số. Cục CNTT đã có kế hoạch gì cho cuộc chuyển đổi này, thưa ông?

Ông Bùi Thế Phương: Để thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030, KBNN đã và đang thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Đầu tiên là xác định nội hàm của kho bạc số. Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, có thể hiểu kho bạc số là kho bạc mà ở đó mọi tác nhân đều tương tác trên nền tảng số, theo chính sách và quy trình nghiệp vụ được cải cách, lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ.

Qua quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và từ thực tiễn đúc kết trong quá trình xây dựng và hình thành kho bạc điện tử, chúng tôi sơ bộ phác họa một kiến trúc khung tổng quát để hướng tới hình thành kho bạc số và đang khẩn trương trình Bộ Tài chính phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Theo đó, KBNN đã lên kế hoạch cho 2 giai đoạn cơ bản.

PV: Để triển khai thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, tiến tới Kho bạc số, ông có đề xuất gì với các cấp hữu quan để tạo điều kiện cho tiến trình này được triển khai đồng bộ và hiệu quả?

Ông Bùi Thế Phương: Giai đoạn chuyển đổi số, hình thành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thì chắc chắn sự thay đổi của các công nghệ là nhanh chóng hơn giai đoạn trước nhiều. Vì vậy, để việc tiến tới kho bạc số được thuận lợi, theo đúng tiến trình đề ra rất cần có các cơ chế về đầu tư CNTT theo hướng cải cách để thủ tục được thuận lợi hơn, theo kịp sự thay đổi của công nghệ.

Về chính sách nghiệp vụ, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách. Vì vậy chính sách nghiệp vụ quản lý nhà nước nói chung cần được cải tiến nhanh chóng hơn, liên tục hơn để tận dụng được các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Về công nghệ, một số công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn ở giai đoạn đầu, chưa thực sự trưởng thành và còn là công nghệ của nước ngoài, vì vậy cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam để sáng tạo ra các công nghệ phục vụ cho việc chuyển đổi số.

PV: Xin cảm ơn ông!

2 giai đoạn chuyển đổi hình thành kho bạc số

Giai đoạn 1 (từ 2021 - 2025): Giai đoạn này cần tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái về dữ liệu số, các dữ liệu số cần xuất phát từ gốc nơi khởi nguồn ra dữ liệu. Trên cơ sở liên thông dữ liệu số, kho bạc số dựa trên dữ liệu sẽ cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của Kho bạc nhà nước; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Giai đoạn này tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở, hình thành hệ sinh thái các dịch vụ mở trong lĩnh vực tài chính nhà nước, từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ.

Vân Hà (thực hiện)