Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là vốn của doanh nghiệp Thay thế Luật số 69: Bước ngoặt lớn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật số 69

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho hay, hiện nay chúng ta cả nước đã có trên 800 doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng.

Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: NT

Hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ban hành năm 2014. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai luật trên thực tế cũng đã phát sinh các tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng về khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đó là, phạm vi điều chỉnh của luật chưa thực sự tách bạch, chưa phân định được một cách rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa có được một sự chủ động, chưa có được một hành lang để cho các doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường. Việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá khả năng bảo toàn vốn của doanh nghiệp cũng chưa phù hợp với thực tiễn của DNNN…

Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Toàn cảnh hội thảo ngày 29/3.

“Những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật số 69 cho thấy sự cần thiết của việc sửa đổi căn bản và toàn diện Luật số 69, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ.

Nhấn mạnh đây là một luật rất khó, phải giải quyết cùng một lúc rất nhiều mục tiêu, Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh bày tỏ mong muốn sẽ được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các DNNN lớn để có các tư liệu, căn cứ để hoàn thiện tốt nhất hồ sơ dự án luật.

Đánh giá hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường

Điều hành phiên thứ nhất của hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 25/3/2024, Chính phủ đã họp cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2024. Căn cứ ý kiến các thành viên Chính phủ và kết luận tại nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kèm theo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng luật và kèm theo đầy đủ hồ sơ.

Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn điều hành phiên thứ nhất của hội thảo. Ảnh: NT

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tập trung quyết liệt và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy trình, trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng.

Đến nay, cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo UBTVQH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật theo quy định.

Theo đó, tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật, theo quy định của Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước hoặc tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024) làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo. Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024) của Quốc hội; dự kiến sẽ triển khai xây dựng luật cụ thể để Chính phủ trình Quốc hội trong 2 kỳ họp.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh đã trình bày tóm tắt nội dung cơ bản hồ sơ xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Dự thảo luật đề xuất có 6 nhóm chính sách lớn gồm: chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Trong đó, mục tiêu của chính sách quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm xác định nguyên tắc: “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”; bảo toàn, hiệu quả, linh hoạt và công khai, minh bạch. Vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý, kiểm soát; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để làm tốt vai trò dẫn dắt, mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển…

Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bùi Tuấn Minh trình bày tóm tắt nội dung cơ bản hồ sơ xây dựng luật.

Giải pháp lựa chọn chính sách là phân công rõ, phân cấp mạnh cho các cấp quản lý vốn nhà nước đầu tư và doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn.

Việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Theo Cục trưởng Bùi Tuấn Minh, tên luật mới dự kiến là “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Việc không quy định về “sử dụng vốn” và “vào sản xuất, kinh doanh” do việc sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được quy định về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và được thể hiện trong các chính sách về đầu tư vốn.

Đồng thời, các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp chủ động nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân công rõ, phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.