Doanh nghiệp nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để đón dòng vốn xanh Giai đoạn 2022-2025: Cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, thoái vốn 141 doanh nghiệp Chia sẻ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp quản trị nguồn vốn hiệu quả

Đây những nguyên tắc được nhấn mạnh trong định hướng xây dựng luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), được Bộ Tài chính cho biết tại hội thảo trao đổi về những nội dung định hướng xây dựng luật, diễn ra sáng 17/3.

Xây dựng luật thay thế toàn diện Luật số 69

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét, báo cáo Quốc hội; Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ luật trình Chính phủ xem xét thông qua để báo cáo UBTVQH, Quốc hội theo hướng giữ nguyên các nội dung đã được Chính phủ thông qua trình UBTVQH và bổ sung 3 nội dung trong 4 nhóm chính sách đã được thông qua.

Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là vốn của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Dương An

Cụ thể, ở nhóm chính sách 2 bổ sung nội dung “Việc tính giá trị quyền sử dụng đất trong xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa và khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Ở nhóm chính sách 3, bổ sung nội dung “Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.

Nhóm chính sách 4 bổ sung nội dung “Việc thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua các cơ quan đại diện và người đại diện sở hữu vốn (trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp)”.

Tại hội thảo này, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành liên quan, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan đại diện chủ sở hữu…, Bộ Tài chính mong muốn nhận được các ý kiến đánh giá, phân tích, đóng góp về định hướng nội dung xây dựng luật thay thế Luật số 69, đảm bảo thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết được các tồn tại trong quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước, đổi mới phân cấp mạnh gắn với quản lý hiệu quả, nâng cao giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua.

Theo ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn ngày 14/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc “cần phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước; việc tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị doanh nghiệp; tổng kết đánh giá mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…”, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo, nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn để đảm bảo xây dựng dự án luật thay thế, sửa đổi Luật số 69 bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đồng thời bám sát, thống nhất với các dự án quan trọng đang sửa đổi như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)…

Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là vốn của doanh nghiệp
Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình bày một số nội dung, định hướng xây dựng dự thảo luật. Ảnh: Dương An

Nhà nước không can thiệp hành chính vào hoạt động doanh nghiệp

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền một số nội dung về chủ trương, định hướng xây dựng luật sửa đổi, thay thế Luật số 69.

Trong đó, các nguyên tắc, quan điểm xây dựng luật bao gồm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị của doanh nghiệp.

Đồng thời, quán triệt đầy đủ các nội dung mang tính nguyên tắc: quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; nguồn lực nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý tập trung và thống nhất để đáp ứng yêu cầu về đầu tư vốn vào doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời; vốn nhà nước đầu tư ở đâu phải được quản lý, giám sát; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nhà nước đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng. Việc cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý...

Về tên gọi của luật, dự kiến điều chỉnh là: “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Tên mới này không còn cụm từ “sử dụng”, điều này thể hiện rõ được nội dung mới là luật sẽ không điều chỉnh việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2024

Với dự kiến đề xuất một số chủ trương, định hướng sửa luật như trên, Bộ Tài chính đánh giá cần có thời gian hoàn thiện và cụ thể hóa các nội dung chính sách. Theo đó, tiến độ dự kiến là trước tháng 6/2023, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các học giả, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng các doanh nghiệp…

Tháng 7/2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật thay thế Luật số 69. Trong tháng 8, Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 (kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023). Trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và dự kiến luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là dự án luật rất khó, nhiều nội dung đổi mới căn bản, nên với tiến độ này, phải quyết tâm rất cao, rất quyết liệt mới làm được, ông Bùi Tuấn Minh nhấn mạnh.