Ngày 11/1, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16), với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn thách thức

Dự báo các xu hướng kinh tế toàn cầu nổi bật trong năm 2024, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt, tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng. Mặc dù vậy, những nền tảng vững chắc của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 cũng như những thành công trong đối ngoại của quốc gia được cho là sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Đó là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Với con số GDP đạt 5,05%, tăng trưởng của Việt Nam cao hơn tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%. Thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ...

Kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2024 khá lạc quan
Một số diễn giả thảo luận tại diễn đàn

Theo ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (Ngân hàng HSBC), Việt Nam không phải một quốc gia đơn độc trên hành trình phát triển mà là một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Điều này mang lại cả thuận lợi lẫn khó khăn cho Việt Nam khi chịu tác động từ những xu hướng toàn cầu. Xuyên suốt trong năm 2023, khi nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc suy yếu đã để lại ảnh hưởng lên Việt Nam - một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

“Mặc dù vậy, chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024. Điều đó sẽ mang lại chút thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Tăng trưởng là một “trò chơi” mang tính tương đối, có thể những diễn biến trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng tôi tin rằng Việt Nam có những nền tảng cơ bản mạnh mẽ giúp đất nước tiếp tục vững vàng tăng trưởng” - ông Ahmed Yeganeh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kích cầu cho tiêu dùng cũng là vấn đề cần chú ý cho năm 2024, vì chỉ số bán lẻ 9,6% trong năm 2023 là rất thấp so với mức 20% của năm 2022. Gần tết, chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tăng 13,5 triệu tỷ đồng… Cần có cơ chế để đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển…

Dưới góc nhìn rất lạc quan, bà Minh Đặng - Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, năm 2024 Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn thách thức. Năm 2024, chỉ số hàng tồn kho của các nhà sản xuất ở châu Âu, châu Mỹ và các nhà bán lẻ đã về mức bền vững. Có thể kỳ vọng đáy của nền sản xuất của Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, có sự “đồng pha” của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong việc cắt giảm lãi suất. Đây là điều kiện hết sức cần thiết vì trong kinh tế thì mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư và tăng trưởng.

Vì vậy, theo vị chuyên gia của Dragon Capital, xu thế của dòng tiền đầu tư cả về đầu tư trực tiếp và đầu tư ở thị trường chứng khoán trong năm 2024 tại Việt Nam sẽ mạnh mẽ, rõ ràng hơn hơn. Ngoài ra, những tín hiệu tích cực của đầu tư công đã tạo niềm tin, nền tảng cho các doanh nghiệp đầu tư trở lại.

Kịch bản nào cho tăng trưởng của Việt Nam 2024?

Chia sẻ nhận định về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (Tập đoàn UOB), nhấn mạnh Việt Nam đã vượt qua năm 2023 đầy thách thức và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Động lực tăng trưởng từ quý IV/2023 được chuyển sang 2024 và được hỗ trợ bởi các hiệu ứng nền tảng.

Kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2024 khá lạc quan
Quang cảnh hội nghị

“UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ vào khoảng 6% trong năm 2024. Điều này không quá cao so với tiềm năng của Việt Nam. Mức tăng trưởng 6 - 6,5% là trong tầm tay” - ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam là 5,5 %. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo đạt 5,8%, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB dự báo đạt 5,8%, còn OECD dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2024 sẽ đạt mức 5,9%.

Theo ông Suan Teck Kin, xu hướng khu vực hóa, phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, các hoạt động “friend shoring” diễn ra sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp, người lao động.

Dòng vốn FDI đạt kỷ lục vào năm 2023, khi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trực tiếp theo xu hướng khu vực hoá. Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất tốt trong thu hút FDI, ít nhất là trong 5 năm tới. Trong tương lai, Việt Nam cần xác định đúng ngành nghề trọng tâm, tập trung xác định các giải pháp phù hợp để thu hút dòng FDI tốt hơn nữa.

Thêm ý kiến về kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam khoảng 5,05 %, thấp hơn so với mục tiêu nhưng đây là mức tương đối cao trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024 các dự báo đều cho rằng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt lên.

“Chúng tôi dự báo lạc quan hơn một chút, cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với các dự báo quốc tế. Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024” - TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát không phải là một nỗi lo của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 khi mà lạm phát của quốc gia thấp, giá cả và lạm phát của thế giới được dự báo tiếp tục giảm.

Theo ông, điều quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là cần phải chú ý kích tăng trưởng và không cần phải quá lo vào lạm phát. Để phòng chống và nếu có phải kiểm soát lạm phát thì cần tập trung vào hai vấn đề là giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở. Tuy nhiên, cũng phải luôn chú ý tới xăng dầu vì yếu tố này luôn tiềm ẩn rủi ro.

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, trên đà thành công của năm 2023, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, Việt Nam sẽ tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước. Ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế...