Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm mục tiêu dài hạn

Phát biểu tại “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022” mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu. Bài học thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 2 năm qua có thể nói rằng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Thủ tướng chỉ đạo, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguồn: Ngân hàng phát triển châu Á.
Nguồn: Ngân hàng phát triển châu Á.

Ngay sau khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Phản ứng chính sách nhanh, quyết liệt trước những diễn biến phức tạp, khó lường là một trong những bài học thành công trong công tác điều hành của Chính phủ.

Không phải ngẫu nhiên mà những quyết sách gần đây của Quốc hội, Chính phủ đều nhấn mạnh việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình mới. Những thành công được đúc rút kinh nghiệm qua điều hành đã cho thấy điều đó. Nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển bền vững. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, nhưng Việt Nam nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang “ngổn ngang”, phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc như tăng trưởng, lạm phát.

Hỗ trợ từ chính sách tài khóa phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng

Theo PGS. TS Lê Văn Chiến - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần phải lấy mục tiêu lâu dài, phát triển bền vững làm căn cứ để định ra các chủ trương, chính sách. Không vì tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là duy trì lạm phát thấp.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển bền vững, toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh cũng như những giải pháp phục hồi kinh tế đã được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP; không lơ là, chủ quan, đồng thời chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Moody’s dự báo tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 8,5%

Nhờ nền tảng là kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 lên 6,7 - 7,5%, lạm phát dưới 4%. Trong tháng 8/2022, Tổ chức Xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 8,5%, mức cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9/2022, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, triển vọng ổn định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm, cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Tính đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 3,6% so với tháng 12/2021. Điều này có nghĩa là dư địa tăng giá của 4 tháng cuối năm không còn nhiều theo chỉ tiêu lạm phát 4% do Quốc hội đề ra cho năm 2022. Trên thế giới, nhiều nước phát triển đã tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần theo sát diễn biến của tình hình thế giới và giá cả trong nước. Ngân hàng Nhà nước cần nâng lãi suất và thắt chặt cung tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng khi chỉ số giá tiêu dùng chạm ngưỡng 4% Quốc hội cho phép, nhưng cũng sẵn sàng nới lỏng khi điều kiện cho phép để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế bởi quá trình phục hồi sản xuất trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi. Mặc dù có thể không cần thiết phải đưa ra thêm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng các cấp, các ngành cần phải cải thiện khâu thực thi chính sách. Nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải được thực hiện triệt để.

Một vấn đề được dư luận quan tâm đó chính là đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo TS. Lê Văn Chiến, việc khắc phục tình trạng các chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch là giải pháp cần thiết để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công nên dành ưu tiên cho việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất và công nghệ số nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Kinh tế toàn cầu đang trở nên thách thức hơn

Thời gian tới, dự báo Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát trở lại hoặc xuất hiện dịch bệnh mới không cho phép chúng ta chủ quan; xung đột quân sự Nga - Ucraina cũng như những căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới sẽ ảnh hưởng sâu tới sự phục hồi kinh tế - xã hội của cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Theo các chuyên gia kinh tế, còn nhiều bất ổn dự báo trong tương lai là những rủi ro có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng đang diễn ra, nói như Ngân hàng Thế giới “môi trường kinh tế toàn cầu đang trở nên thách thức hơn”, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trong nước cũng như sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung. Ngoài ra, nguy cơ lạm phát khá lớn, sức ép cả từ phía nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước; tốc độ giải ngân đầu tư công chậm; sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các ngành và các địa phương… Đây là những thách thức lớn cho những tháng còn lại của năm 2022 và ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Ngay từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đầu năm 2022, trong kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, chúng ta đã rất thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch. Những kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp. Những kỳ họp bất thường của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những cuộc họp, đi kiểm tra không kể ngày nghỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.