Kiện toàn, tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo tập trung, thống nhất. Trong đó, giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, không tổ chức phòng trong vụ (trừ trường hợp đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định), tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức không đáp ứng các tiêu chí thành lập.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Liên quan đến quản lý biên chế ĐVSNCL, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các Quy định và Kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026. Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến nay, 26/27 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành đã được Chính phủ ban hành. Kết quả sắp xếp giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; 10 cục; 145 vụ/ban; 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và giảm cơ bản phòng trong vụ.

Về sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện: căn cứ quy định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, sở nội vụ các địa phương đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 115 tổ chức bộ máy hành chính và 226 ĐVSNCL.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội, Bộ Tài chính cho rằng, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế nên hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với những ngành, lĩnh vực chưa cao; việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các ĐVSNCL ở một số ngành, lĩnh vực có mặt còn cơ học. Bên cạnh đó, chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng dịch vụ cung ứng; việc chuyển các ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ còn hạn chế, tiến độ chậm, mức độ tự chủ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều.

Ngoài ra, về quản lý biên chế công chức và số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp) trong ĐVSNCL, để bảo đảm thực hiện mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định để giao biên chế giai đoạn 5 năm từ năm 2022 - 2026 cho các cơ quan của hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ NSNN của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là ĐCSNCL, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Kiện toàn, tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Để thực hiện hiệu quả và có chuyển biến hơn nữa trong thời gian tới, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các phương án sắp xếp ĐVSNCL năm 2023, lộ trình đến năm 2025 bảo đảm thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 19-NQ/TW và phương án được Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất.

Đồng thời, sắp xếp, thu gọn đầu mối ĐVSNCL cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện thành lập, có tính kế thừa và phát huy kết quả triển khai sắp xếp giai đoạn 2015 - 2021, tránh cào bằng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn ĐVSNCL và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Phải cơ cấu lại, giảm người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Thời gian qua, để khắc phục trước mắt tình trạng thiếu giáo viên do tăng dân số cơ học, tăng quy mô trường, lớp, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.

Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 cho các địa phương, trong đó riêng đối với năm học 2022 - 2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên. Từ năm học 2023 - 2026, tiếp tục rà soát, bổ sung 38.130 biên chế giáo viên theo thực tế của từng địa phương tại từng thời điểm cho phù hợp.

Về lâu dài, để hoàn thiện định mức giáo viên/lớp bảo đảm thực hiện nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” và chủ trương tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung định mức giáo viên/lớp (có quy mô chuẩn về số học sinh/lớp theo từng bậc học). Việc sửa đổi theo hướng bỏ quy định định mức “tối đa”, khắc phục việc mỗi địa phương áp dụng một mức định mức khác nhau, không kiểm soát được chất lượng, không đáp ứng được chuẩn quốc gia theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, hướng dẫn xây dựng mức học phí đào tạo một học sinh của từng bậc học theo từng vùng, miền, làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng dự toán kinh phí hoạt động phù hợp với quy mô tuyển sinh theo từng năm học để báo cáo các cấp quản lý phân bổ ngân sách theo cơ chế đặt hàng. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục xây dựng Đề án tự chủ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức độ tự chủ về tài chính được xác định phù hợp với tỷ lệ nguồn thu sự nghiệp theo cơ chế đặt hàng/tổng chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, phù hợp với lộ trình tính đủ giá, phí theo quy định của Chính phủ. Theo đó, từng bước thực hiện cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ NSNN, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính theo Đề án tự chủ.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc đổi mới phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn và thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với bậc tiểu học; xã hội hóa buổi học thứ 2 trong ngày ở những nơi có điều kiện.