Doanh nghiệp "đông" nhưng tiềm lực chưa mạnh

Theo ông Hoàng Quang Phòng, trong năm 2022 bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.

Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”
Ông Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”. Ảnh: Hải Anh

Để đạt được kết quả tích cực này là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.

"Có được sự phát triển kinh tế được quốc tế đánh giá cao như vậy, không thể không khẳng định sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, những sai phạm của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hơn thế, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao...” - Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

VCCI đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.

Trên thực tế, doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn, bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, trong văn bản góp ý nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới

Tại diễn đàn, đề cập đến giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phục hồi trong năm 2023, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư tư nhân hiệu quả trong bối cảnh mới; quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân (theo các nghị quyết được Đảng, Nhà nước đề ra), nơi tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế.

Theo ông Lê Duy Bình, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đã có sự thay đổi lớn trong 10 năm qua. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010, tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021.

Như vậy, tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) có xu thế đảo chiều giai đoạn 2010-2021. Trong đó, nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn như vậy nhưng tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của năng suất vào GDP cũng giảm theo. Đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp “vượt sóng”.

Ông Lê Duy Bình nhận định: “Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Sự suy giảm của hệ số đầu tư tư nhân trong hai năm vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua và khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trường như công nghệ và nguồn nhân lực, để có thể tiếp tục phục hồi và phát triển trong năm 2023".

Theo các chuyên gia kinh tế, câu hỏi đặt ra với Việt Nam phải trả lời năm 2023 là đưa nguồn vốn ít ỏi tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu tăng tổng đầu tư toàn xã hội, tăng đầu tư, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng, cần được gắn liền với các mục tiêu khác về hiệu quả đầu tư, về gắn tăng trưởng về vốn với các yếu tố động lực tăng trưởng khác như nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.