Kỳ vọng kinh tế 2024
Ảnh minh họa

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, GS.TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG:

Chính sách tài khóa tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Kỳ vọng kinh tế 2024

Những cơn gió ngược đã gây ảnh hưởng rất mạnh trong năm 2023 được dự báo sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm 2024. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phát đi tín hiệu không tiếp tục tăng lãi suất, thậm chí có thể bắt đầu giảm lãi suất. Như thế, chúng ta sẽ đỡ bị áp lực về chính sách tiền tệ, chính sách về tỷ giá hối đoái, về vốn… Đó là những yếu tố để Việt Nam yên tâm hơn trong việc thực hiện các chính sách vĩ mô.

Ở trong nước, xu hướng tăng trưởng đang tăng dần, quý sau cao hơn quý trước. Từ đó có thể nói, năm 2024 chúng ta có nhiều dư địa hơn để cho tăng trưởng và điều hành chính sách. Trong đó, đặc biệt là nguồn lực tài khóa ngày càng tích cực hơn, tạo cơ sở để tiếp tục các chính sách kích thích, hỗ trợ tăng trưởng.

Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách năm 2023 ước đạt 1.752,4 nghìn tỷ đồng, vượt 8,12% so với dự toán được giao. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước nhiều khó khăn, thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ước tính năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,7 - 3,8% GDP, thấp hơn mức Quốc hội cho phép là 4,42% GDP. Dư nợ công ước khoảng 37% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước khoảng 19%, đều thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Khi nợ công đang thấp, dư địa cho đầu tư công sẽ tốt hơn. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đánh giá lại tác động của các gói hỗ trợ để có sự điều chỉnh hiệu quả hơn và có thể tính toán thêm các chính sách kích thích tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Năm 2024, từ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định tiếp tục thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm và có thể xem xét kéo dài hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về việc tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi tốt hơn, cộng nguồn lực trong nước tích cực hơn, chính sách tiền tệ bớt áp lực, các chính sách hỗ trợ được kéo dài, tôi tin rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 không phải ngoài tầm tay. Hiện nay, tăng trưởng đang có xu hướng đi lên khá đều, là cơ sở để phấn đấu cho mục tiêu năm 2024 kinh tế đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%.

Để đạt mục tiêu này đòi hỏi có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn, trong đó cần lưu ý tận dụng các cơ hội, lợi thế sẵn có, đó là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường...

Hoàng Yến (ghi)

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGUYỄN LÂM THÀNH:

Thiết lập chính sách ổn định, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài

Kỳ vọng kinh tế 2024

Với những kết quả năm 2023, tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, khởi sắc hơn về kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi.

Thứ nhất, hệ thống nền tảng pháp luật của chúng ta đang được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, liên quan đến sản xuất kinh doanh, bất động sản và những vấn đề về tài chính, tín dụng…

Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta vẫn có những điểm sáng, đặc biệt là trong xuất khẩu nông sản với rất nhiều ngành hàng hiện nay đang có giá trị xuất khẩu lớn. Rất nhiều ngành đã đạt được con số trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, ngành lúa gạo vẫn là nền tảng, giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu hiện nay, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu để đóng góp ngoại tệ cho đất nước.

Với sự kết hợp rất nhiều biện pháp cũng như những kết quả đạt được trong năm 2023 và những chỉ đạo trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, năm 2024, tôi hy vọng rằng triển vọng kinh tế nước ta sẽ đạt kết quả khả quan hơn.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6% - 6,5% cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đó là chúng ta còn phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài trong bối cảnh về địa chính trị đang có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, sẽ trực tiếp tác động đến chuỗi kinh tế toàn cầu mà nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

Ở trong nước, việc đạt mục tiêu tăng trưởng còn phụ thuộc vào vấn đề tháo gỡ những khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng phụ thuộc những chính sách, biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt liên quan đến chính sách về tín dụng và vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, khu vực vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế của nước ta. Chúng ta cần thiết lập một chính sách ổn định nhằm thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần để thu hút đầu tư mới, vừa để tăng cường mở rộng tái đầu tư. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Kỳ họp thứ 6. Đây cũng là một nội dung chính sách quan trọng cho năm 2024, bên cạnh việc thực hiện những quy định của các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), chúng ta phải có những chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Dương An (ghi)

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, PGS. TS. TRẦN HOÀNG NGÂN:

Sự chung sức, đồng lòng đem lại nhiều thành quả

Kỳ vọng kinh tế 2024

Trong 3 năm cực kỳ khó khăn khi nước ta phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công lại kéo giảm rất tốt (37% GDP trong khi trần 60% GDP). Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia có nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Bội chi năm 2024 ở mức 4% GDP. Bội chi 3 năm 2021 - 2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Như vậy, cùng với bội chi giảm, các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022. Năm 2023, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều đánh giá triển vọng dài hạn của Việt Nam ở mức tích cực, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P, Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”).

Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương...

Chúng ta phải nhìn nhận toàn bộ quá trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước năm 2023 trong bối cảnh hết sức khó khăn. Dịch bệnh vừa đi qua thì lại xảy ra cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột Nga - Ukraine gay gắt, xung đột ở Dải Gaza ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa.

Những yếu tố đó đã tác động mạnh đến tăng trưởng, nợ công, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chuỗi cung ứng hàng hóa, hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… trên phạm vi toàn cầu và các quốc gia. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách.

Có thể khẳng định, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ và toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, cùng vào cuộc mới có được kết quả như ngày hôm nay. Chính phủ quyết tâm chính trị rất lớn, làm việc ngày đêm, lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Quốc hội sẵn sàng họp chuyên đề, họp bất thường để xem xét thể chế; sự đồng thuận nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp rất cao. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Trong năm 2024, tôi cho rằng, bên cạnh chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, cần phải phối hợp đồng bộ và thúc đẩy hơn vai trò của các chính sách khác, như tiền tệ, hỗ trợ về vốn và thúc đẩy đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, làm bệ phóng tăng tốc cho kỳ kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030.

Minh Anh (ghi)

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẦN VĂN LÂM:

Tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh

Kỳ vọng kinh tế 2024

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, tình hình tài chính quốc gia của chúng ta trong nửa nhiệm kỳ này đến thời điểm hiện nay ngày càng vững mạnh, các kế hoạch đặt ra đều được thực hiện và đạt được tốt hơn dự kiến.

Các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đạt được tốt hơn mục tiêu đặt ra trên tất cả lĩnh vực: thu, chi ngân sách, các cân đối lớn được đảm bảo, an toàn nợ công được tăng cường, nợ quốc gia thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép.

Đó là những tín hiệu tích cực, là kết quả của công tác quản lý tài chính quốc gia, tài chính vĩ mô. Nổi bật là thu ngân sách, năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, mặc dù số thu của một số lĩnh vực hụt nhưng cũng đã được bù đắp bởi số thu các lĩnh vực khác, nhờ thế, thu NSNN đã vượt dự toán 8,12%. Đây là thành công lớn khi đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tổng gói hỗ trợ của chính sách tài khóa lên đến gần 200 nghìn tỷ đồng.

Chi ngân sách đã bám sát kế hoạch mặc dù chi đầu tư công còn gặp khó khăn, chi thường xuyên được đảm bảo. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì tình hình thu, chi ngân sách được đảm bảo. Có thể nói, tình hình tài chính này giúp chúng ta yên tâm, “có thực mới vực được đạo”, có tiền đã yên tâm rồi, vấn đề là sử dụng thế nào để hiệu quả nhất, tránh có tiền mà không tiêu được.

Chính sách tài khóa, tài chính quốc gia tương đối vững, nên dư địa của chính sách tài khóa sẽ được mở rộng, có thể cân đối nguồn lực cho hỗ trợ phát triển kinh tế. Như tới đây chi cải cách tiền lương là khoản chi rất lớn nhưng chúng ta đã chuẩn bị đủ nguồn. Đây là khoản chi không chỉ một năm mà là trong rất nhiều năm, chi thường xuyên tăng nhiều, tuy nhiên nguồn lực chúng ta đã chuẩn bị từ trước.

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ thời gian qua, nhất là thời điểm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhờ hiệu quả công tác thu ngân sách, chính sách tài khóa vững chắc, nên chúng ta đã có các nguồn lực đầy đủ khi thực hiện các chính sách thúc đẩy, phục hồi trước, trong và sau đại dịch. Nhờ đó, không làm tăng bội chi, thậm chí tỷ lệ bội chi giảm so với mức Quốc hội đặt ra, tiết kiệm được rất lớn.

Các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí thực sự tạo ra động lực thúc đẩy cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Một số lĩnh vực chi khác như chi đầu tư chúng ta cũng sẵn sàng có thể chi nếu có các dự án tốt, đóng góp cho nền kinh tế, điều đó minh chứng dư địa mà chính sách tài khóa đang có.

Kết quả trên có sự đóng góp tích cực của ngành Tài chính nói chung và cơ quan trực tiếp thu là thuế, hải quan nói riêng. Nhờ kết quả thu ngân sách nhiều năm trước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao đã tạo ra các nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa.

Trong năm 2024, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế bền vững hơn. Từ đó, có nguồn lực thực hiện các kế hoạch đầu tư công quy mô lớn; thực hiện chính sách cải cách đặc biệt là cải cách tiền lương; chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo thế ổn định vĩ mô một cách tổng thể, góp phần đưa vị thế đất nước cao hơn, vững vàng hơn.

Anh Minh (ghi)