Xử phạt vi phạm đất đai thu được rất thấp

Đánh giá chung, đoàn giám sát nhận thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn vừa qua đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra, như tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch 5 năm đề ra (đạt 100,4%), quy mô thu NSNN 5 năm 2016 - 2020 tăng khoảng 1,66 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Tổng chi NSNN giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 7,3 triệu tỷ đồng, giảm dần tỷ trọng dự toán chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, mà một trong những nội dung quan trọng là việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả.

Cụ thể, qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát thấy rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai kém hiệu quả, nhưng chưa được khắc phục. Số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 1.601.026.501 m2. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ có 242.082 triệu đồng. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn.

Qua kết quả kiểm tra rà soát và xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ năm 2018 đến nay, số dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, hoặc chậm tiến độ sử dụng đất đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ là 336/575 dự án, công trình với tổng diện tích 99.543,97 ha. Trong đó nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh (121 dự án), Lâm Đồng (61 dự án, công trình), Thanh Hóa (24 dự án, công trình)…

Số dự án, công trình đã có thông báo thu hồi đất nhưng chưa thực hiện thủ tục theo quy định là 381/3.424 dự án, công trình, với tổng diện tích 38.501,52 ha, chiếm (0,12%). Số dự án, công trình chấm dứt theo giấy phép đầu tư, hoặc chủ trương đầu tư, đã xử lý là 710/3.424 dự án, công trình, với tổng diện tích 7.773,50 ha, chiếm (20,8%).

Làm rõ nguyên nhân đất nông, lâm nghiệp để hoang hóa

Theo báo cáo không đầy đủ của 61/63 tỉnh, các địa phương đã triển khai thu hồi 34.135,93 ha đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản, không được gia hạn, do ô nhiễm môi trường cần di dời, chấm dứt hoạt động đầu tư, do thiên tai, người sử dụng tự nguyện trả lại. Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, phương án quản lý, sử dụng, đo vẽ, kiểm đếm để lập hồ sơ quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường triển khai rất chậm… Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao đất về địa phương (467.672 ha), diện tích UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi là 237.715 ha.

Sẽ giám sát việc quản lý đất đai ở nhiều địa phương

Về kế hoạch giám sát thời gian tới, đoàn giám sát đề nghị 6 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An) tập trung giám sát việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm, 5 năm của Chính phủ và của địa phương, với các nội dung trọng tâm về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công; việc quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Ngoài các địa phương trên, trường hợp cần thiết, trong tháng 7/2022, đoàn sẽ tổ chức thêm một số nhóm công tác giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả tại một số địa phương.

Từ thực tế này, đoàn giám sát đề nghị các địa phương báo cáo rõ tổng diện tích đất tại địa phương, trong đó làm rõ diện tích nông, lâm nghiệp không sử dụng, để hoang hóa; nêu địa chỉ cụ thể, nguyên nhân, kiến nghị xử lý cụ thể. Đồng thời, thống kê số dự án treo, việc xử lý, thu hồi đất đai các dự án này; làm rõ đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện ban hành quyết định thu hồi đất. Thống kê số lượng dự án, diện tích đất đai hiện nay không triển khai được do vướng mắc, do đang trong quá trình điều tra, thanh tra, hoặc đã có kết luận nhưng chưa được xử lý.

Đối với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, đoàn giám sát đề nghị tổng hợp các báo cáo của các địa phương và chi tiết các thông tin, số liệu báo cáo về việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, bao gồm quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường; số dự án “treo”, dự án chậm tiến độ của từng bộ, ngành, địa phương với địa chỉ cụ thể.

Dự kiến tới đây, đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát: Việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định. Trong đó làm rõ, tổng diện tích đất nông nghiệp hoang hóa không sử dụng hoặc chưa sử dụng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; số các dự án “treo” từ trung ương đến địa phương (chỉ rõ địa chỉ cụ thể); các tồn tại, hạn chế mà Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra đã nêu trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai.