Nối dài nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

6 tháng qua, tiếp nối các chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trước đó, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng trong năm 2023
Chính sách tài khóa hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ảnh: TL minh họa

Các chính sách tài khóa đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.

Có thể kể đến một loạt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai thời gian qua, như: Bộ Tài chính trình Chính phủ trình trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) để kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Chính sách này dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng cuối năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng và tháng 1/2024 khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này dự kiến tác động làm giảm thu NSNN năm 2023 khoảng 38 nghìn tỷ đồng; chưa được tính trong dự toán thu NSNN năm 2023.

Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 10,4 - 11,2 nghìn tỷ đồng).

Trong trung tuần tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe được sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong năm 2023 khoảng 8 - 9 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, một loạt các chính sách khác được ban hành, như: Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 về quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; số giảm sẽ được cấn trừ vào số phải nộp năm 2023 (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong năm 2023 khoảng 3,5 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 quy định giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi chí của doanh nghiệp, người dân (dự kiến tác động làm giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng)...

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện 6 tháng đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 28,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 42 nghìn tỷ đồng).

Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành

Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế tiếp tục gặp những khó khăn. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN chịu nhiều tác động kém thuận lợi thời gian vừa qua (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh..., đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 54% dự toán
Chính sách thu ngày càng bền vững, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp, người dân an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao; qua đó góp phần vào những kết quả đạt được trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Đồng thời, bám sát các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn. Đồng thời, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân.

Các chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu đó là tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.

Hướng tới hệ thống thuế đồng bộ, cơ cấu bền vững

Các chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Trên cơ sở đó, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN. Đồng thời, chính sách thuế góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.