Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích Không bổ sung hai loại đất được làm dự án nhà ở thương mại Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Đề xuất thí điểm trước rồi mới đưa vào luật

Bổ sung các quy định về mua, bán, quản lý “chung cư mini”

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và ý kiến thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung lớn.

Cụ thể như chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong đó, không quy định các yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; bổ sung quy định điều chỉnh với các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ mà có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu…

Theo đó, các căn hộ loại này sẽ được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai; được bán, cho thuê mua, cho thuê…, tuy nhiên cá nhân xây dựng “chung cư mini” để bán, cho thuê mua, cho thuê, phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Mở rộng đối tượng được thuê nhà công vụ: Nguồn lực ngân sách khó khả thi
Phiên họp của UBTVQH chiều 16/11.

​Dự thảo cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai…

Bên cạnh những nội dung đã thống nhất, Ủy ban Pháp luật cũng báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH, trong đó có nội dung về bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ.

So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 đã bổ sung đối tượng “hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” được thuê nhà ở công vụ. Tiếp thu ý kiến đại biểu và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật trình Quốc hội ngày 26/10 vừa qua đã bổ sung đối tượng được thuê nhà công vụ là “công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo”.

Tuy nhiên, có ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận hội trường ngày 26/10 và ý kiến của Bộ Quốc phòng sau đó đề nghị tiếp tục bổ sung một số đối tượng không giữ chức vụ nhưng được thuê nhà ở công vụ, không chỉ tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo mà ở tất cả các địa bàn, bao gồm: công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Đảm bảo cân đối, đồng bộ về chính sách nhà ở công vụ

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, nếu tiếp tục bổ sung đối tượng như đề nghị nêu trên thì phạm vi đối tượng được mở quá rộng so với Luật Nhà ở hiện hành, trong khi điều kiện nguồn lực nhà nước cho phát triển nhà ở công vụ còn rất khó khăn sẽ khó bảo đảm khả thi.

Văn bản số 5204/BXD-QLN ngày 13/11/2023 của Bộ Xây dựng đánh giá tác động chính sách cũng chưa làm rõ được kinh phí ngân sách nhà nước cần đầu tư để xây dựng quỹ nhà ở công vụ đáp ứng việc mở rộng phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ; chưa lý giải thuyết phục về tính đặc thù của đối tượng thuê nhà ở công vụ được đề nghị bổ sung so với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị dẫn đến phải có chính sách riêng.

Cơ quan thẩm tra đánh giá, việc bổ sung đối tượng theo đề nghị trên sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân đối, đồng bộ về chính sách nhà ở công vụ đối với các nhóm đối tượng khác trong hệ thống chính trị.

Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật thì cán bộ, công chức phải giữ chức vụ nhất định, như ở trung ương phải là phó thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên, ở địa phương phải là phó chủ tịch UBND cấp huyện, phó giám đốc sở và tương đương trở lên mới thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không giữ chức vụ, chỉ được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ như dự thảo Luật trình Quốc hội ngày 26/10.

Mở rộng đối tượng được thuê nhà công vụ: Nguồn lực ngân sách khó khả thi
Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 16/11.
Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Tuy nhiên, điều kiện nguồn lực còn hạn chế nên trong dự thảo luật cần diễn đạt rõ ý hơn về các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở công vụ. Nếu mở rộng như dự thảo đề xuất, nguồn lực bố trí cho việc thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của Đảng, Nhà nước rất khó thực hiện.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng quy định về nhà công vụ tại Điều 45 dự thảo luật còn chưa thấu đáo, còn bất cập.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ, có chính sách ưu tiên phù hợp cho lực lượng vũ trang, cơ yếu. Chính phủ cần có tính toán cụ thể về việc dành đủ nguồn lực, theo lộ trình phát triển của đất nước, quan trọng là phải đảm bảo chính sách được thực hiện xuyên suốt, giúp cán bộ, công chức, đặc biệt trong ngành an ninh, quốc phòng, cơ yếu yên tâm công tác.

Đây cũng là một trong những vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý cho dự thảo luật. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc tiếp cận nhà ở công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên nếu mở rộng hết các đối tượng cần được sử dụng thì không có đủ nguồn.

Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung: bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao bộ trưởng và chủ tịch tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.

Từ phía cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ mong muốn có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất về nhà ở cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả lực lượng vũ trang khi luân chuyển, điều động, thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, một trong những yêu cầu khi xây dựng pháp luật là phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng giai đoạn phải có chính sách phù hợp, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.