Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hợp tác bảo vệ người lao động Băn khoăn quy định Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội

Quản lý không tốt có thể gây hệ lụy khó lường

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê. Theo đại biểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh, do đó Tổng Liên đoàn lao động có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân có số lượng rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư theo đề xuất là lấy từ nguồn thu phí công đoàn nên sẽ có hạn.

“Quản lý không tốt có thể gây ra hệ luỵ khó lường” cũng là băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) khi góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lo ngại về nguy cơ rủi ro, chậm thu hồi vốn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ ủng hộ phương án Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Đề xuất thí điểm trước rồi mới đưa vào luật

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi, bởi chức năng cơ bản của công đoàn không có chức năng kinh doanh. Nếu dự thảo Luật này đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp và có thể gây ra những quan ngại. “Cần đánh giá tính bền vững, quy định thu - chi, đánh giá lại tác động, hiệu quả công đoàn khi làm nhà ở xã hội” - đại biểu nói.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này.

Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nếu giải quyết tốt vấn đề nhà ở, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc.

Do vậy, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, đại biểu cho rằng không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động. Việc để Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động.

Đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi đưa vào luật

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cùng chia sẻ góc nhìn này và nhấn mạnh bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh 5 không: Không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có điều kiện để sinh hoạt. Việc triển khai nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động đã được triển khai từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án của Tổng Liên đoàn lao động, tuy nhiên quá trình triển khai còn vướng nhiều vấn đề pháp lý.

Đối với những băn khoăn, lo ngại của đại biểu về việc giao Tổng Liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn lao động cần có báo cáo để phân tích, làm rõ nội dung này.

Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Đề xuất thí điểm trước rồi mới đưa vào luật
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận định, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp, nên với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp.

Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhận định đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, đại biểu Việt Nga đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí. Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật./.