PV: Nhìn lại năm 2022, mặc dù dự báo tình hình đầu năm rất khó khăn nhưng nước ta đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Ông đánh giá thế nào về những kết quả này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2022, tuy chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có được những kết quả tốt. Chúng ta đạt được kết quả này bởi đã đưa ra được những định hướng điều hành kinh tế vĩ mô đúng đắn, tận dụng được tất cả những lợi thế trong năm 2021 để khôi phục và phát triển kinh tế.

Mục tiêu cao nhưng có cơ sở để đạt được
TS. Nguyễn Đức Kiên

Tuy nhiên, trong năm 2022 có những yếu tố đột xuất không nằm trong kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ nhất là giá nhiên liệu biến động và có xu hướng tăng rất mạnh. Thứ hai là kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Các vùng khủng hoảng về kinh tế phát sinh không hẳn là do những yếu tố kinh tế mà là do yếu tố chính trị. Các quyết sách của các nền kinh tế lớn và các khu vực trên thế giới là hoàn toàn dựa vào quyết định chính trị chứ không dựa vào trên phân tích và hiệu quả kinh tế.

Đây là những yếu tố tác động rất mạnh trong năm 2022. Nhưng từ kinh tế vĩ mô thế giới tác động vào Việt Nam bao giờ cũng có độ trễ và độ trễ. Độ trễ đó đến cuối năm 2022 thì mới bộc lộ. Do đó, hai tháng cuối năm ta thấy nhiều khó khăn xuất hiện hơn và xu thế này có thể còn kéo dài.

PV: Đứng trước những khó khăn này, chúng ta cần phải chuẩn bị những đối sách gì cho năm 2023, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta không dự báo được các diễn biến của kinh tế thế giới trong khi độ mở của nền kinh tế rất lớn, nên phải chấp nhận là sẽ có nhiều ảnh hưởng bất thường tác động đến Việt Nam rất nhanh. Do đó, chúng ta phải chia sẻ với Chính phủ, phải chấp nhận rằng các chính sách có thể buộc thay đổi rất nhanh để ứng phó các biến động của khu vực và thế giới, chứ không thể đòi hỏi chính sách phải luôn giữ ổn định như trước.

Bây giờ chúng ta chưa biết được là mùa đông năm 2022 khu vực châu Âu sẽ ứng phó với tình hình thiếu năng lượng thế nào, diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp tới ra sao.

Chính sách kinh tế vĩ mô của các đối tác quan trọng trong thương mại của Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét.

Những vấn đề như thế cho thấy chúng ta phải lường được là những năm tới rất khó khăn. Đứng ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng thách thức trong năm 2023 nhiều hơn nhưng những thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ vào nền kinh tế phụ thuộc cách xử lý, điều hành.

Mục tiêu cao nhưng có cơ sở để đạt được
Năm 2022, tuy chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có được những kết quả tốt.

Một trong những điều quan trọng là cần bình tĩnh để các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ. Chính phủ và các cơ quan, các bộ, ngành đang điều hành linh hoạt, sát sao. Về cơ bản các nội dung trong các báo cáo của Chính phủ với Quốc hội và trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn như vậy, đến nay không có gì đột biến. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi nhiều quy định pháp luật có vướng mắc và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục những bất cập; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.

PV: Ông vừa đánh giá năm 2023 sẽ nhiều khó khăn hơn thuận lợi, vậy những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra cho năm 2023 có khả thi hay không? Động lực tăng trưởng của năm 2023 sẽ phải trông vào đâu?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Mục tiêu đặt ra cho năm 2023 không phải là cao mà rất cao. Nhưng chúng ta có cơ sở để đạt được mục tiêu đó vì có nhiều điều kiện có thể tận dụng tốt để phát triển. Trước hết, đó là sự ổn định, Việt Nam có sự ổn định chính trị trong bối cảnh rất nhiều nước bất ổn.

Động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực, dựa vào đầu tư công và doanh nghiệp Việt, bởi thị trường bên ngoài đang yếu nên không thể hy vọng nhiều được, ít nhất là hết 6 tháng đầu năm.

Về đầu tư công, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực rất lớn để dành cho đầu tư công, dự toán chi đầu tư công 2023 tăng gần 40% so với dự toán năm 2022, một lượng lớn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội dự kiến giải ngân trong năm 2023.

Với doanh nghiệp, nếu vẫn ưu tiên và không có các tiêu chí mới cho doanh nghiệp FDI thì chúng ta vẫn chỉ là những người làm công, “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có tích lũy để tái đầu tư và phát triển. Để ưu tiên cho doanh nghiệp Việt, có thể tính toán giải pháp tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, dành một phần đầu tư công để đặt hàng doanh nghiệp nội địa, ví dụ đặt hàng doanh nghiệp thép làm đường ray cho đường sắt cao tốc…

“Trong các hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI vừa qua, phía nước ngoài đều thể hiện niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt và thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Đó là thành quả tích cực thu được sau đại dịch. - TS. Nguyễn Đức Kiên.

PV: Hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, vậy làm thế nào để “cứu” doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải chấp nhận là vào thời điểm khó khăn sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phá sản, sẽ có những ông chủ trở thành người làm thuê. Trên thế giới cũng vậy, có những tỷ phú sau một đêm trở thành tay trắng. Như vậy mới là nền kinh tế thị trường. Nếu cố cứu bằng mọi giá, mọi doanh nghiệp thì sẽ đi ngược lại nguyên tắc thị trường.

Đây chính là thời cơ vàng để cơ cấu lại các doanh nghiệp Việt, để các doanh nghiệp thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp. Nếu tự doanh nghiệp không làm được thì phải huy động các nhà đầu tư khác cùng vào.

Lúc này doanh nghiệp phải mở rộng cửa, chấp nhận xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, chấp nhận sự giám sát của các nhà đầu tư thay vì cung cách điều hành kiểu gia đình, cá nhân như hiện nay. Nếu có một hội đồng quản trị mạnh, có sự giám sát tốt thì việc phát hành trái phiếu xong rồi sử dụng sai mục đích, làm mất khả năng thanh toán sẽ rất ít có cơ hội xảy ra.

Tôi tin rằng với năng lực của mình họ sẽ sớm phục hồi được, vấn đề là phải có cơ chế để cả những người vấp ngã vẫn đứng dậy, vươn lên được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực

Mục tiêu đặt ra cho năm 2023 không phải là cao mà rất cao. Nhưng chúng ta có cơ sở để đạt được mục tiêu đó vì có nhiều điều kiện có thể tận dụng tốt để phát triển. Trước hết, đó là sự ổn định, Việt Nam có sự ổn định chính trị trong bối cảnh rất nhiều nước bất ổn.

Động lực tăng trưởng năm 2023 chủ yếu phải dựa vào nội lực, dựa vào đầu tư công và doanh nghiệp Việt, bởi thị trường bên ngoài đang yếu nên không thể hy vọng nhiều được, ít nhất là hết 6 tháng đầu năm.