Cá tra

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ cá tra. Ảnh: Khánh Linh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí tại sự kiện kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều ngày 9/6.

PV: Thưa Bộ trưởng, ngày hôm nay, các doanh nghiệp (DN) sẽ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm cá tra. Điều này sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển sản phẩm cá tra như thế nào?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tháng 3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất và đã đặt ra vấn đề làm sao kết nối cung cầu, sản xuất tiêu thụ cá tra ở thị trường trong nước. Sau một thời gian chuẩn bị, hôm nay chúng ta chứng kiến các DN sản xuất ký kết hợp đồng với DN tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng bởi vì ngành hàng cá tra sau hơn 20 năm phát triển đã đạt được kết quả tốt. Từ ngành hàng chỉ có hơn 6.000 ha đã cho ra giá trị xuất khẩu (XK) 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, với mong muốn muốn mở rộng sản xuất, phát triển ổn định hơn, tránh hiện tượng "năm lên giá năm xuống giá" thì bên cạnh việc mở rộng thị trường XK, chúng ta cần tập trung coi trọng thị trường trong nước.

Do đó, sự kiện hôm nay các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp nhau trên cơ sở đó đưa những sản phẩm cá tra tốt nhất với 56 sản phẩm chế biến tới người tiêu dùng nội địa.

Cụ thể là giới thiệu với người tiêu dùng phía Bắc biết được sản phẩm cá tra là một trong những sản vật nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long với chất lượng rất tốt, giá thành hợp lý, phù hợp với tiêu thụ của người Việt Nam. Đồng thời, thông qua sự kiện này để thúc đẩy hơn, gắn kết hơn giữa sản xuất với tiêu thụ, đặc biệt là cân bằng thị trường giữa XK và nội nhu.

Năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng nuôi dự kiến đạt 1,42 triệu tấn; diện tích lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha; giá trị XK khoảng 2 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

PV: Bộ trưởng từng chia sẻ, người Việt Nam ai cũng thích ăn cá nhưng vấn đề là sản phẩm cá tra chưa đến với người tiêu dùng là do lỗi của DN. Khi DN đưa mặt hàng này vào thị trường nội địa thì DN cần chú trọng điều gì để người tiêu dùng hiểu rằng không phải vì XK khó khăn mà chúng ta quay về thị trường nội địa, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không phải vì khó khăn, cá tra mới quay về thị trường nội địa mà hiện nay chúng ta phải coi trọng thị trường nội địa để phát triển bền vững, đặc biệt các doanh nghiệp phải nghiên cứu các sản phẩm cá tra phù hợp với đặc điểm ẩm thực của người tiêu dùng phía Bắc.

Đối với thị trường trong nước, DN tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật – đảm bảo tùy từng phân khúc thị trường để có được những loại sản phẩm phù hợp nhất. Đã đến lúc thị trường trong nước cũng có những yêu cầu khắt khe như thị trường XK.

PV: Bộ trưởng khẳng định nếu đưa được sản phẩm này vào tiêu thụ trong nước thì sẽ giảm áp lực cho XK?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng vậy. Hiện nay ngành hàng cá tra có tổng sản lượng 1,5 triệu tấn, XK hàng năm đạt từ 2,3-2,5 tỷ USD. Nếu như ngành hàng này khai mở được thị trường trong nước thì có hai tác dụng: Thứ nhất, giảm áp lực XK và đương nhiên giá trị XK sẽ tăng; thứ hai khai thác thị trường 100 triệu dân đương nhiên sẽ mở rộng được sản lượng, tiết kiệm được sản xuất.

Như vậy, nếu khai mở thị trường trong nước chúng ta sẽ đạt mục tiêu kép, vừa tăng được sản lượng, vừa tăng được giá trị sản phẩm cá tra và tạo ra một thị trường tiêu thụ đa dạng hơn để người dân có nhiều lựa chọn hơn.

Ví dụ hiện nay giá thịt lợn đang cao thì tại sao người tiêu dùng không lựa chọn thủy sản, thịt gà, trứng…Có rất nhiều sản phẩm nông thủy sản tốt của Việt Nam để người tiêu dùng được quyền lựa chọn và sự lựa chọn đa dạng đem đến giá cả vừa túi tiền, dinh dưỡng cân đối – đó cũng là mục tiêu kép tốt và là mục đích mà chúng ta hướng đến.

PV: Hôm nay, Bộ NN&PTNT đứng ra để kết nối giữa các nhà phân phối lớn ở trong nước và các điểm sản xuất lớn trong nước. Vậy, Bộ trưởng kỳ vọng gì vào "cái bắt tay" này giữa các DN?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thông qua sự kiện này có thể thấy, để đảm bảo được đầu ra đối với bất kỳ nông sản nào thì phải đảm bảo hệ sinh thái khép kín, từ tổ chức sản xuất đến chế biến, phát triển thị trường. Đó là một khâu liên hoàn, là quá trình gian khổ, không hề đơn giản là cứ sản xuất hàng hóa ra là bán được mà phải biết cách mở thị trường.

Muốn mở thị trường phải cộng tác chặt chẽ giữa người sản xuất và người phân phối. Đây chỉ là bước đầu, và các bên cần phải thuyết phục người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình – không chỉ giá thành, chất lượng phù hợp mà phải trở thành 'gu' ẩm thực thì lúc đó mới thành công.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ngày 9/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã diễn ra sự kiện kết nối “sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” mở đầu cho phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa. Tại sự kiện này diễn ra lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị gồm: Công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C; Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh… Ngành hàng cá tra Việt Nam tự hào trở thành ngành kinh tế "tỷ đô" với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới.

Khánh Linh (ghi)