Không thể trì hoãn siết giảm chi tiêu

Khi có “của ăn của để” cũng cần phải tiết kiệm, chưa nói đến khi còn khó khăn lại càng phải tiết kiệm. Trong quản lý chi tiêu của quốc gia cũng vậy. “Tiết kiệm chi thường xuyên” là cụm từ khá quen thuộc khi nhắc đến chi tiêu công. Chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (NSNN) là những khoản chi nhằm duy trì các hoạt động cơ bản cho hoạt động bộ máy, chi cho con người nên việc siết giảm không hề đơn giản và cứ nói giảm là có thể giảm ngay được.

Những năm gần đây, dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó, cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm (2016 - 2020) giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Ngày Xuân nói chuyện tiết kiệm “túi tiền quốc gia”

Bài toán tiết giảm chi tiêu luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Trong các ưu tiên cho chi tiêu công, chi cho con người và chi cho an sinh xã hội luôn được đặt lên hàng đầu. Việc cắt giảm, tiết kiệm chi tiêu sẽ giúp có thêm nguồn để chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh khác, nhưng không được ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chi đã có trong dự toán.

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc chi phòng chống dịch bệnh đã “ngốn” lượng tiền rất lớn từ ngân sách, trong khi “thu chưa đủ bù chi” thì việc triệt để tiết kiệm chi tiêu hơn nữa lại càng đặt ra cấp thiết hơn.

Vẫn phải tiết kiệm “từng đồng ngân sách”

Trong khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể như: công khai, minh bạch trong phân bổ dự toán NSNN; sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm nguyên tắc chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cần thiết và có nguồn lực đảm bảo; điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ nguồn thu.

Quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm đã được Bộ Tài chính duy trì nhiều năm

Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đặc biệt là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, được Bộ Tài chính duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Nguồn tiết kiệm trong chi thường xuyên dành chi tăng lương và chi cho an sinh xã hội. Muốn giảm chi thường xuyên, phải tập trung vào thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Qua thống kê của Bộ Tài chính, thực hiện chủ trương tiết kiệm chi, riêng năm 2019, đã cắt giảm khoảng 10.000 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên so với dự toán năm 2018 do thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Đồng thời, tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương; cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách. 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (cũng mang lại khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm. Đối với ngân sách Trung ương (NSTW), tổng số tiết kiệm chi của năm 2020 là 12,1 nghìn tỷ đồng, nhờ nguồn tiết kiệm này, đã chi mua vắc-xin phòng chống Covid-19.

Năm 2021 “cuộc chiến” chống dịch ngày càng căng thẳng hơn, chủ trương tiết kiệm vẫn phải thực hiện, trong khó khăn Chính phủ đã có thêm 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW cho chống dịch.

Hiệu quả tiết kiệm “từng đồng ngân sách” đã được minh chứng bằng những con số cụ thể. Những nỗ lực của Chính phủ được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại tỷ lệ chi thường xuyên và chi đầu tư cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi hiện nay chi thường xuyên mức còn cao 62 - 63%, do đó, cần phấn đấu chi thường xuyên giảm còn 60% trong tổng thu ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) và một số ý kiến cho rằng, chúng ta đã tiết kiệm rồi nhưng cần tiết kiệm hơn nữa, Chính phủ cần ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cần tính toán đảm bảo cho chi phòng dịch, chi đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng chi đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia. Việc cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển bằng các biện pháp, như tinh giảm bộ máy, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, song song với các chính sách hỗ trợ, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi hội họp công tác phí, hội nghị... Đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả.

Hàng năm và cả giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chi tiêu thường xuyên chỉ là một nội dung trong chương trình tổng thể này. Ngành Tài chính trong giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đặt ra các mục tiêu giảm thấp hơn chi thường xuyên trong tổng chi NSNN. Dẫu biết, áp lực tiết kiệm chi tiêu công là rất lớn, nhưng không phải không thể thực hiện được.

Tiết kiệm là quy luật đi lên của đất nước

Nhắc đến tiết kiệm, chống lãng phí, những bài học về tiết kiệm của Bác Hồ vẫn còn nguyên ý nghĩa. Người nhắc, tiết kiệm không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Người coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả khi giàu cũng phải tiết kiệm.

Tiết kiệm phòng khi có những nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiết kiệm dành cho công cuộc kiến thiết đất nước. Thực tế đã chứng minh, trong 2 năm dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước ta, thì những kết quả của việc tái cơ cấu lại NSNN đã giúp chúng ta có nguồn lực cho phòng chống dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn có những đơn vị sử dụng ngân sách chưa nghiêm, còn tình trạng lãng phí trong chi tiêu công. Nhắc đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn cho rằng, vấn đề tiết kiệm đã được thể chế bằng nhiều quy phạm pháp luật nhưng thực tế vẫn xảy ra lãng phí nhiều. Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn.

Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cả giai đoạn mới này sẽ tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi, trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Chính phủ sẽ rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa bổ sung NSNN ngoài dự toán, tổ chức hội thảo, khánh tiết, đi công tác nước ngoài… Yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng ngân sách.