Đối ngoại tiếp tục là điểm sáng trong nửa đầu năm 2023 Ngoại giao kinh tế phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước

Thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương là điểm nổi bật

Đánh giá về hoạt động ngoại giao kinh tế (NGKT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những điểm nổi bật mà công tác NGKT đã đạt được kể từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Ngoại giao kinh tế phải “làm cái người dân và doanh nghiệp cần chứ không làm cái mình có”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Ngoại giao 32

Trước hết là việc tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu đúng, tham mưu trúng cho Đảng và Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách về NGKT.

Đại hội Đảng XIII khẳng định "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc" và xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Văn kiện đại hội cũng lần đầu tiên đề ra định hướng "xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm".

Hai là kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để từ đó huy động nguồn lực cho phát triển đất nước. Thủ tướng nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao 32: Các hoạt động NGKT đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới... đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tiếp đó, Thủ tướng nhấn mạnh công tác NGKT đã góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như Covid-19, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực….

Một điểm nổi bật nữa là công tác NGKT đã góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác phát triển về kinh tế để huy động nguồn lực xây dựng đất nước.

Theo Thủ tướng, NGKT đã kết hợp nhuần nhuyễn với ngoại giao văn hóa thúc đẩy tinh thần nội sinh của đất nước. Đồng thời, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, người dân - người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

“Thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương là điểm nổi bật trong những năm vừa qua về NGKT”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Thống kê từ Bộ Ngoại giao cho thấy, giai đoạn 2021-2023, các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài.

Thực hiện ngoại giao kinh tế trên cơ sở hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ

Biểu dương những thành tựu trong công tác NGKT đã đạt được trong thời gian qua kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong công tác này.

Ngoại giao kinh tế phải “làm cái người dân và doanh nghiệp cần chứ không làm cái mình có”
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo về công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Anh/Báo Quốc tế

Cụ thể, công tác nghiên cứu nắm tình hình có nơi còn chưa kịp thời khiến cho phản ứng chính sách của chúng ta đôi lúc còn hạn chế. Theo Thủ tướng, NGKT đã có bước đột phá nhưng chưa cao.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa người dân - doanh nghiệp - địa phương với công tác NGKT đôi lúc còn chưa hiệu quả. Việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách hợp tác giữa Việt Nam với các nước cần chặt chẽ, phù hợp với tình hình hơn và tích cực hơn….

Từ những thực tế trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ của công tác NGKT trong tình hình mới.

Theo Thủ tướng, trước hết, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong NGKT, trên cơ sở hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ. Bên cạnh đó, phản ứng chính sách phải nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn.

Đồng thời, các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả nhưng phải chân thành, tôn trọng, tin cậy, thể hiện tinh thần bản sắc “ngoại giao cây tre” của Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác NGKT phải bám sát yêu cầu trong nước, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, phải làm cái gì người ta cần chứ không làm cái gì mình có.

Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc, có tâm, có tầm… để công tác NGKT phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế.

Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, dự báo tình hình thời cơ thuận lợi đan xen thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn khi các tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế 2024 sẽ khó khăn, thách thức hơn, nên cần chủ động, nắm chắc và dự báo tốt tình hình, để tham mưu cho Đảng, Chính phủ có những quyết sách đúng và trúng.

Cùng với đó, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa công tác đối ngoại theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược. Trong đó lưu ý thúc đẩy kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

Thủ tướng cũng lưu ý công tác NGKT phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành nghề mới nổi, bám sát xu thế, bám sát thực tiễn, tham mưu để tháo gỡ được khó khăn, vượt qua thách thức.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác với các nước chặt chẽ, thực tế hơn để cụ thể hóa. NGKT phải chú trọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ.

Đồng thời, tăng cường phát huy tính tự lực tự cường, tính chủ động sáng tạo. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã cảm nhận được sự vào cuộc quyết tâm, chủ động và thực chất của Chính phủ, các bộ ngành cùng sự quảng bá, giới thiệu, kết nối của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng…

Nhờ vậy, các hiệp hội, tập đoàn lớn trên thế giới như Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Nvidia, SK, Samsung, John Cockerill… đều ghi nhận và xác định Việt Nam là địa bàn chiến lược để đặt cơ sở sản xuất và phát triển. Đây chính là những động lực quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn tới.