Doanh nghiệp xăng dầu kêu 'càng bán càng lỗ' ?
Trên trang Facebook Diễn đàn Xăng dầu gần đây xuất hiện hàng loạt chia sẻ với nội dung "tất cả các cửa hàng bán lẻ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi sở công thương" với lý do không mua được hàng, chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm….
![]() |
Nguồn cung chưa bao giờ thiếu, giá cả luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Ảnh: Hải Anh |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam trong ngày 27/8/2022, một số đại lý bán lẻ xăng dầu phía Nam than rằng, nhiều tháng qua đã chịu cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Kể cả khi giá tăng hay giảm cũng khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu điêu đứng. Chiết khấu không có hoặc có cũng rất thấp, với mức chiết khấu 100 - 150 đồng/lít như hiện nay càng làm càng lỗ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan-quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn có 492 cửa hàng kinh doanh xăng dầu 8 doanh nghiệp đầu mối. Hiện có 24 cửa hàng đóng cửa do các lý do không liên quan đến nguồn cung. Nhu cầu xăng dầu 1 tháng của thành phố là 146.500 m3, khả năng đáp ứng là 170.000 m. Qua 8 tháng thành phố xử lý 139 vụ vi phạm, xử phạt 1,8 tỷ đồng. Hiện các cửa hàng xăng dầu kinh doanh bình thường. |
Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, do nguồn cung cấp từ doanh nghiệp đầu mối cũng có hạn và doanh nghiệp cũng lấy đủ hàng cho 10 ngày bán hàng nên đã xảy ra trường hợp hết hàng trước ngày điều chỉnh, khi đó doanh nghiệp gặp rủi ro, rất dễ bị phạt do ngưng bán hàng, nếu kỳ điều chỉnh này diễn ra sau kỳ nghỉ lễ 2/9/2022. Vì vậy, có đơn vị còn tính đến chuyện không muốn bị phạt và mất khách hàng sẽ chấp nhận mua giá cao hơn, bán lỗ.
Báo cáo Bộ Công thương về tình hình hoạt động cung ứng và kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho rằng trên cả nước mới chỉ có số ít cửa hàng báo không đủ nguồn hàng. Vừa qua, Tổng cục QLTT cũng đã chủ trì đoàn thanh tra 23 doanh nghiệp đầu mối và tước giấy phép 7 đơn vị. Đến nay 4 doanh nghiệp đã được trả giấy phép. Hiện trên cả nước chỉ có 4 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa bán nhỏ giọt.
Còn đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu. Các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tại thành phố hoạt động bình thường. Thành phố cũng thường xuyên nắm tình hình tại doanh nghiệp đầu mối.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang- ông Lâm Huỳnh Nhân cũng cho biết, trên địa chỉ chưa có cửa hàng tạm dừng hoạt động. Hệ thống bán lẻ phản ánh vấn đề chiết khấu còn nhiều bất cập. Mặt khác 7 thương nhân phân phối trên địa bàn bảo đảm đáp ứng cung ứng hàng ngày.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Trần Văn Trừ thông tin, gần đây, thành phố kiểm tra 21 vụ xử phạt 671 triệu đồng. Hiện các cửa bàn kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường. Đà Nẵng đang làm thủ tục liên quan cấp giấy phép với một số cửa hàng xăng dầu.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu, kiên quyết xử lý vi phạm
Liên quan tình hình cung ứng xăng dầu và phản ánh của doanh nghiệp lỗ do chiết khấu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thời gian vừa qua, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt bằng nhiều biện pháp như: Giao chỉ tiêu tăng thêm đối với các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, uốn nắn, nhắc nhở các doanh nghiệp có chức năng phân phối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ về việc chấp hành pháp luật; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh kịp thời. Cho nên tình hình xuất nhập khẩu, phân phối kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước đã ổn định trở lại.
![]() |
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: CTV |
"Trong khi thế giới phải đối mặt với chuỗi đứt gãy nguồn cung về xăng dầu, giá cả “leo thang” chóng mặt nhưng tại Việt Nam, nguồn cung, kể cả những lúc khan hiếm và khó khăn nhất như trong quý I và đầu quý II/2022 và cho đến tận bây giờ có thể khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung và đứt gãy nguồn cung. Nguồn cung chưa bao giờ thiếu, giá cả luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Đối với giá bán xăng, dầu, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, kể cả những lúc giá được xem là lên cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam thì mức giá bán lẻ vẫn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Những tháng gần đây, nhờ quyết sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, mức thuế đã được điều chỉnh như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu xăng dầu của toàn khu vực, toàn châu lục về ngưỡng của ASEAN. Như vậy Việt Nam luôn đa dạng hóa nguồn cung và không bao giờ thiếu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà vi phạm pháp luật thì dứt khoát sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Không thể lấy lý do xử lý các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.
Trong khi, trên thực tế, số lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam không lớn chỉ từ 20%, cao lắm mới 28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định thì cũng không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước. Do đó, lấy lý do cho rằng thiếu nguồn cung là do mấy doanh nghiệp bị rút giấy phép này là hoàn toàn sai sự thật.
Tiếp thu ý kiến phản ánh về tình trạng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gặp khó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, tổ chức hiệp hội ngành hàng, Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam đã có đủ các thông tin và có những kiến nghị đề xuất để cấp có thẩm quyền xem xét. Các ý kiến này đã tập trung xem xét theo hướng cần phải điều chỉnh để làm sao hệ thống kinh doanh bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định. |