Đây là một trong những giải pháp đề xuất của đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) trong phiên thảo luận hội trường tại Quốc hội, ngày 31/10.

Phân bổ chi đầu tư phát triển vẫn dàn trải

Cho ý kiến về dự toán ngân sách 2018, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay nhưng phân bổ chi đầu tư phát triển dàn trải, các ưu tiên cho mục tiêu phát triển cơ cấu lại nền kinh tế bố trí chậm, không đủ vốn. Theo đó, 80.000 tỷ đồng để dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm kể cả năm 2018 chưa bố trí và giải ngân được vốn.

ĐB còn cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc Nam nhưng không bố trí vốn trong kế hoạch 2018, cũng không để dành một phần vốn 2018. Các dự án này phải chờ quyết định của Quốc hội sẽ phân bổ sau nên không có nguồn tiền để triển khai thực hiện trong năm 2018.

Hoàng Quang Hàm
ĐB Hoàng Quang Hàm phát biểu tại phiên thảo luận.

Cùng với đó, hai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau 3 năm trung ương bố trí được 37.650 tỷ đồng, khoảng 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt mục tiêu. Vốn đầu tư của 21 chương trình mục tiêu gắn với tất cả các lĩnh vực để cơ cấu lại nền kinh tế nhưng kế hoạch trung hạn được bố trí khoảng 53% vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với tốc độ bố trí vốn như hiện nay, kết thúc kế hoạch còn giảm xuống dưới 53% nên việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo. Nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí vốn...

“Các vấn đề trên Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc, có giải pháp khắc phục nếu muốn đạt các mục tiêu phát triển” - ĐB Hàm nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Quang Hàm còn cho rằng, thời gian qua, nợ công tăng cao, nhưng nhiều năm nay công tác tiết kiệm chi vẫn chưa tốt. Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên thực hiện giảm chi bộ máy không hiệu quả. Hai năm 2015, 2016 khối hành chính giảm được 0,83%, còn quá xa so với mục tiêu là 2021 giảm 10%. Bên cạnh đó, thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp triển khai chậm và hiệu quả thấp nên giảm chi ngân sách không cao.

Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỷ đồng vốn ODA mới chỉ đáp ứng được 70 - 80% cam kết đã ký. Nếu tính cả các hiệp định mới ký thêm thì đáp ứng được khoảng 62 - 65%. Nhưng việc ký thêm các hiệp định mới vẫn đang diễn ra và chưa đánh giá tác động lên nợ công một cách thỏa đáng.

Ký kết, quản lý và sử dụng vốn vay ODA phải được kiểm soát chặt

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo ĐB Hoàng Quang Hàm, Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao, đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách.

“Đặc biệt phải cân nhắc khoản chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí hoạt động thường xuyên; tăng thu tiết kiệm chi, phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA” - ĐB Hàm nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Quang Hàm cũng đề nghị, cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ chưa phẩn bổ, nếu với dự toán vay ODA và phát hành trái phiếu năm 2018, cộng với số dư năm 2017 không thể giải ngân hết chuyển sang sẽ khó giữ được tỷ lệ bội chi năm 2018.

Cùng với đó, theo ĐB Hàm, cần sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia, bố trí thu hồi tối thiểu 30% nợ xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo hết 2020 trả hết nợ đọng và thu hồi vốn ứng, theo số liệu Quốc hội đã quyết nghị./.

D.T