Nhà đầu tư chưa mặn mà, do dâu?

Ông Nam Hưng, một chuyên gia bất động sản phía Nam nhận định, những cuộc họp liên tục của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP mới đây cho thấy quyết tâm của Chính phủ vực dậy thị trường bất động sản. Đây là những "tia sáng", tạo dựng niềm tin mà cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đang nhận ra.

Trong bối cảnh này doanh nghiệp phải thể hiện rõ năng lực của mình, đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của cộng đồng
Trong bối cảnh này doanh nghiệp phải thể hiện rõ năng lực của mình, đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của cộng đồng.

Hiện tại, để phục hồi và hoạt động lại bình thường, đủ sức sản xuất kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, với khách hàng, doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền để hoạt động.

Bên cạnh đó, thời gian hoàn thiện pháp lý cho các dự án bất động sản hơn bao giờ hết cần được đẩy nhanh. Một doanh nghiệp nếu phải chờ 2 - 3 năm mới xong pháp lý dự án thì suốt thời gian đó, chi phí nào có thể đủ để “gồng gánh” bộ máy cả ngàn nhân sự? Nếu có đủ lực tài chính thì tất nhiên, chi phí “nuôi quân”, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ được đưa vào đâu nếu không đưa vào giá bán của sản phẩm bất động sản?

Ông Hưng cho hay, đại dịch Covid-19 và diễn biến về địa chính trị trên thế giới trong những năm qua đã làm cho nền kinh tế gặp nhiều biến động. Việc Chính phủ đưa ra những quy định mới này vừa củng cố niềm tin của thị trường vừa giúp các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp có cơ hội trở lại với thị trường, tất nhiên là theo những quy định nghiêm ngặt hơn.

“Để thị trường đi qua cơn khó khăn kéo dài và có thể phát triển, ngoài những hành lang pháp lý đã ban hành, cần đẩy mạnh những chính sách về tài chính - tín dụng, chính sách về pháp lý liên quan đất đai. Hơn ai hết, trong bối cảnh này doanh nghiệp phải thể hiện rõ năng lực của mình, tái cơ cấu nguồn lực và đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của cộng đồng, của xã hội. Bởi, nhu cầu mong muốn có nhà ở là nhu cầu hợp lý và bất biến của con người” - ông Hưng nói.

Ông Đặng Phi Long - CEO Phu My Holding cho biết, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động hạn chế, gần như xuống mức thấp nhất. Chỉ có các công ty bán loại hình căn hộ tại khu vực TP. Hồ Chí Minh giao dịch cầm chừng có kinh phí duy trì, còn những công ty chuyên mảng đất nền vùng ven, tình trạng cầm cố tài sản thậm chí đóng cửa công ty cũng không hiếm lạ.

Có nên mua bất động sản lúc này?

Trong báo cáo quý I/2023, Hội Môi giới bất động sản thống kê, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án chung cư có vị trí thuận lợi, được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín và có chất lượng bàn giao tốt.

Bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, các nhà môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư cùng “nín lặng chờ thời” làm cho toàn bộ thị trường mặc dù không hoàn toàn “án binh bất động” nhưng trong trạng thái “nghe ngóng”, chờ đợi động thái tiếp theo từ phía Chính phủ.

Chọn sản phẩm tốt để đầu tư đón đầu

Theo ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, ở thời điểm hiện tại, đối với những sản phẩm bất động sản có vị trí đẹp, giá cả phải chăng thì nhà đầu tư nên mua, bởi tuy có rủi ro nhưng cũng là cơ hội. 3 vấn đề mà nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn ở những dự án đó là vị trí, tiềm năng và pháp lý.

Vừa qua, thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐCP, Nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Đồng thời, các giải pháp nhằm gỡ khó cho thị trường thể hiện được quyết tâm đồng hành từ phía Chính phủ đối với các doanh nghiệp, tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia thị trường.

Tuy nhiên, các giải pháp chưa đủ lực và độ ngấm để trở thành đòn bẩy, tạo cú hích cho thị trường “bật dậy”. Đồng thời, các văn bản điều chỉnh luật mới, dưới luật như nghị định, thông tư... chưa được ban hành, chưa thể tháo gỡ triệt để các rào cản.

Thị trường có tín hiệu tích cực nhưng chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn, trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản. Lúc này, quan điểm “tự cứu lấy mình”, “cùng nhau vượt khó” đang dần thay thế cho tâm lý “chờ giải cứu” của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, thị trường vẫn tồn tại tình trạng lệch pha ở cả 2 phân khúc: cao cấp và bình dân, giá rẻ. Cùng với đó, tín dụng bất động sản không thể kéo thị trường nhà đất đi lên nếu vẫn còn ở mức lãi suất cao cũng như các điều khoản để người vay tiếp cận còn nhiều khó khăn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN rằng, đây có thể là điểm đáy của thị trường bất động sản nhưng vì sao giá nhà đất vẫn chưa tăng trở lại, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoàn nhận định, nguyên nhân do tâm lý nhà đầu tư không còn mặn mà với việc kinh doanh bất động sản. Các chính sách đã có, nhưng chưa đi vào thực tiễn. Lãi vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với trước đó và mấu chốt là các tổ chức tín dụng đang hạn chế cho vay đối với việc kinh doanh bất động sản.

Theo ông Quang, trong quý II/2023, phần lớn sản phẩm bất động sản có thể sẽ bắt đầu tăng nhẹ từ đáy, song vẫn có từ 2 - 3% nhóm sản phẩm khác không quay đầu mà tiếp tục giảm, biên độ giảm từ 5 - 10%.

Bất động sản văn phòng vẫn khó khăn, khó lường

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch VNO Group thông tin, tính từ đầu năm đến nay dù nguồn cung mới của thị trường văn phòng cho thuê ít, song giá thuê tại tất cả các phân khúc đều giảm. Giá thuê trung bình hạng A đạt 45,6 USD/m2/tháng (khoảng 1,1 triệu đồng), giảm 0,7% so với quý IV/2022. Đối với hạng B, mức giá trung bình đạt 25,6 USD/m2/tháng. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng.

Làn sóng sa thải từ các công ty lớn cũng làm cho quy mô thu hẹp lại, từ đó nhu cầu về diện tích không gian văn phòng cũng giảm. Phân khúc hạng C cũng không khá khẩm hơn, bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Kinh doanh khó khăn, buộc các công ty này cũng phải cắt giảm chi phí cố định, trong đó có chi phí thuê văn phòng. Những sàn văn phòng cho thuê tại vị trí trung tâm thành phố vốn có mức giá thuê 18 - 20 USD/m2 thì nay chủ đầu tư phải chấp nhận giảm giá để giảm bớt gánh nặng doanh thu và chi phí vận hành.

Khó khăn chỉ mới bắt đầu trong bối cảnh nhu cầu chung giảm dần, phần lớn các tòa nhà cũ hiện hữu ghi nhận mức hấp thụ thuần âm, khiến tỷ lệ trống trung bình ở khu vực trung tâm tăng lên khoảng 10 - 15%. Nhu cầu mở rộng văn phòng giai đoạn này cũng có xu hướng chậm lại. Hình thức làm việc linh hoạt hơn như mô hình làm việc hybrid (kết hợp làm tại nhà và tại văn phòng) bắt đầu được cân nhắc áp dụng khi công ty đề cao việc thắt chặt chi phí. Điều này gây áp lực lớn đến thị trường văn phòng cho thuê.

Tình hình kinh tế 2023 vẫn còn vô vàn khó khăn và bất định nên việc đưa ra cái nhìn lạc quan trong lúc này còn quá sớm. “Bản thân chúng tôi là chủ đầu tư, tương tác trực tiếp với khách thuê là các doanh nghiệp nên hiểu rõ tình thế hiện tại khó lường ra sao. Doanh thu của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc giảm giá thuê để níu chân khách hàng. Có thể phải hết năm nay, kinh tế mới bắt đầu có chuyển biến tốt hơn. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định trong lúc này” - ông Nguyễn Hồng Hải đưa ra lời khuyên.