Quyết định của Ngân hàng Nhật Bản vào ngày 19/3 để chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới, cùng với việc Thống đốc Kazuo Ueda nhấn mạnh rằng, điều kiện tiền tệ sẽ tiếp tục linh hoạt trong thời gian tới do sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn đến sự bán ra đồng Yen. Bên cạnh đó, ông cũng không cam kết mức lãi suất cuối cùng.

Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng Yên giảm xuống 155 yen/USD.
Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng Yen giảm xuống 155 yen/USD. Ảnh minh hoạ

Trước quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 20/3, tỷ giá đồng Yen đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023 so với USD, khoảng 151/USD và so với đồng Euro, đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Theo ông Eisuke Sakakibara, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Ấn Độ, việc tỷ giá đồng Yen giảm xuống 155-160/USD là hơi quá mức. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, các cơ quan chính phủ Nhật Bản, chẳng hạn như Bộ Tài chính sẵn sàng thực hiện các bước đi can thiệp thị trường nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, ông dự đoán tỷ giá đồng Yen sẽ tăng mạnh lên mức 130/USD vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 cũng như cho rằng giai đoạn suy thoái đã kết thúc, tiếp theo sẽ là giai đoạn lạm phát.

Ông Sakakibara có biệt danh là "Mr Yen," nổi tiếng là người thúc đẩy thị trường vào những năm 1990. Ông đã đưa ra một số biện pháp can thiệp tiền tệ trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản.

Trong thập kỷ gần đây, chính sách tiền tệ linh hoạt tại Nhật Bản đã được áp dụng với mục tiêu duy trì một mức lãi suất thấp. Trái ngược với việc các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã siết chặt chính sách tiền tệ trong hai năm qua, chính sách của Nhật Bản vẫn tiếp tục tạo ra một môi trường thuận lợi cho các giao dịch đầu tư mang lại lợi nhuận từ đồng Yên.

Sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới đã khiến đồng Yen mất giá hơn khi nhà đầu tư vay vốn với chi phí thấp tại Nhật Bản và mua tài sản bằng đồng tiền đó để mang lại lợi suất cao hơn.