Theo 61% các nhà kinh tế trưởng được khảo sát trong báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm 2024.
Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu được dự báo đạt 2,9% trong năm nay.

Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu được dự báo đạt 2,9% trong năm nay, mạnh hơn so với mức tăng 2,6% theo khảo sát vào tháng 1/2024, và đạt 3% trong năm tới.

Trong số các nền kinh tế lớn, Mỹ và Ấn Độ được cho là sẽ đóng góp lớn nhất vào sự tăng tốc của kinh tế toàn cầu.

Theo nhận định chung, tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) hay nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đều không xấu đi.

Triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có sự xoay chuyển đặt ra những thách thức cho các ngân hàng trung ương vốn đã liên tục tăng nhanh lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát về mức mục tiêu, nhưng hiện có thể phải đợi lâu hơn trước khi cân nhắc hạ lãi suất.

Tăng trưởng kinh tế mạnh được cho là sẽ duy trì lãi suất và lạm phát ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Hơn 3/4 số ngân hàng trung ương được khảo sát (16 trong số 21 ngân hàng), có thể vẫn đối mặt với lạm phát ở mức vượt mục tiêu vào cuối năm, tăng so với con số 10 theo khảo sát vào tháng 1/2024.

Các nhà kinh tế vẫn nhận định các ngân hàng trung ương lớn sẽ hạ lãi suất trong quý này hoặc quý tới, đúng như dự báo của thị trường tài chính. Tuy nhiên, hầu hết cho rằng số lần hạ lãi suất cho đến cuối năm sẽ ít hơn, do lạm phát vẫn cao.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9/2024 và thêm một lần vào quý IV/2024, muộn hơn nhiều so với dự báo lãi suất bắt đầu hạ vào tháng 3 với tổng là 6 lần cắt giảm mà các thị trường tài chính đưa ra vào đầu năm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng vẫn được dự báo sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 6 tới, tiếp đến là 2 lần trong nửa cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng của Eurozone mà theo dự báo sẽ đạt trung bình 0,5% trong năm 2024./.