Nâng giá trị xuất khẩu gạo gắn với đảm bảo an ninh lương thực
Muốn nâng giá trị xuất khẩu gạo phải sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam. Ảnh tư liệu

Xuất khẩu gạo liên tục lập nhiều kỷ lục mới

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 3,23 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 11,7% về lượng và tăng mạnh 36,5% về giá trị. Trong tháng 4/2024, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 623 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 3 nhưng vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo bình quân neo cao, ở ngưỡng 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nâng giá trị xuất khẩu gạo gắn với đảm bảo an ninh lương thực

Xuất khẩu đi đôi với đảm bảo an ninh lương thực

"Quan điểm chỉ đạo chung là phải bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước; đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh". Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả này được là do các doanh nghiệp đã tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống đang có xu hướng tăng trong thời gian qua. Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mà mang tính toàn cầu. Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch. Trong bối cảnh nêu trên, VFA tiếp tục nỗ lực nâng cao giá trị xuất khẩu gạo gắn với đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, thời gian qua hoạt động xuất khẩu gạo của địa phương có nhiều tín hiệu tốt. “Năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh đạt 530.307 tấn, tăng 23,7% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 324,4 triệu USD, tăng 54,6% so với năm 2022. Bước sang quý I/2024, xuất khẩu gạo của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khi lượng xuất khẩu đạt 285.944 tấn, thu về 190,4 triệu USD, trong đó, khu vực châu Á hiện chiếm gần 90%” - ông Thiện nói.

Để xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao, ông Nguyễn Ngọc Nam đề xuất các bộ ngành chuyên trách như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo được thuận lợi hơn. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin để doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng định hướng kinh doanh xuất khẩu. Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, đàm phán ký kết các thỏa thuận thương mại với một số thị trường tiềm năng; rà soát các hiệp định đã được thực thi để đề nghị đối tác gia tăng hạn ngạch cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Sản xuất theo chuỗi để xây dựng thương hiệu mạnh

Bên cạnh những thuận lợi và thành công có được trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Nam cũng chia sẻ, xuất khẩu gạo giá cao, nhưng doanh nghiệp kinh doanh lương thực cũng đứng trước nhiều thách thức. Trúng mùa, được giá, nhưng người trồng lúa vẫn chưa giàu, thương hiệu gạo Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích trong chuỗi giá trị.

Về giải pháp cho thực tế nêu trên, ông Trần Trương Tấn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam chia sẻ câu chuyện xây dựng thương hiệu, cũng như cách mà doanh nghiệp này đang phát triển thị trường. Vina Rice chọn lối đi riêng là xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính như: EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện giá gạo xuất khẩu vào những thị trường này thấp nhất là 980 USD/tấn. Để làm được điều này doanh nghiệp đã phải đầu tư lớn vào việc xây dựng chuỗi giá trị.

Liên quan việc xây dựng được chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ông Tài cho rằng, cần tập trung vào một số điểm mấu chốt. Đầu tiên là phải xây dựng được thương hiệu gạo. “Các quốc gia như Thái Lan họ đều xây dựng được thương hiệu chung cho gạo, trong khi Việt Nam chưa làm được điều này. Các doanh nghiệp đều mạnh ai nấy làm và ít chia sẻ với nhau về tình hình thị trường” - ông Tài nêu thực trạng mà ngành gạo hiện nay đang còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết thêm, phải làm sao sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Đồng thời phải xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Định hướng nông dân và thương nhân tăng cường công tác bảo quản, chế biến đáp ứng các quy định nhập khẩu của các thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc.

Từ đầu tháng 3/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ thị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững. Theo tinh thần chỉ thị, ngành hàng gạo từng bước nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, nhiều doanh nghiệp và địa phương chú trọng các sản phẩm gạo chất lượng cao. Việc xây dựng một nền sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm… chắc chắn ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Tăng cường xuất khẩu gạo ở phân khúc cao cấp tại khu vực Âu Mỹ

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), xuất khẩu gạo sang một số thị trường khu vực Âu Mỹ ghi nhận tăng đột biến. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực Âu Mỹ trong năm 2023 đạt 283 triệu USD, tăng 15,7% so với năm trước. Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2024, tại khu vực châu Á - châu Mỹ có sự tăng đột biến; đạt 181,2 nghìn tấn; trị giá 135,9 triệu USD; tăng 218,3% so với cùng kỳ.

Có được sự tăng đột biến này là do quý I/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường Cuba đạt 82,9 triệu USD, tăng 492,1%; chiếm tỷ trọng 61,0% tổng xuất khẩu sang khu vực châu Âu - châu Mỹ; trước đó quý I/2023 xuất khẩu sang Cuba chỉ đạt 14 triệu USD.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho hay, khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiên khu vực này hứa hẹn sẽ có nhiều tiềm năng trong tương lai bởi nhu cầu của thị trường này ổn định, trong khi đó thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử và điều này sẽ giúp cho gạo Việt Nam phát triển một cách năng động hơn tại nhiều thị trường trong khu vực châu Âu, châu Mỹ.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường, hoạt động xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp khi thâm nhập vào thị trường châu Âu, châu Mỹ. Bên cạnh đó, tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, là đặc sản, đặc trưng và có thương hiệu của Việt Nam và phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa… để mang lại hiệu quả tốt hơn.