Xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng
Xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: TL

Cán cân thương mại thặng dư 4,75 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cùng với các giải pháp khơi thông thị trường, ký kết các đơn hàng mới đã có hiệu quả, kết quả tốt nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt giá trị xuất siêu đạt 4,74 tỷ USD, tăng 71,5% và chiếm trên 50% giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế.

Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 4 tháng đầu năm ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 4,36 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 1,86 tỷ USD, tăng 8,4%; nhóm sản phẩm trồng trọt thặng dư 1,45 tỷ USD, tăng mạnh 3043%...

4 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và toàn ngành đã chủ động, tích cực, sáng tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ổn định.

Xét theo mặt hàng cụ thể, 5 mặt hàng có thặng dư thương mại ước tính 4 tháng đầu năm cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 4,04 tỷ USD, tăng 23,2%; cà phê thặng dư 2,44 tỷ USD, tăng 55,4%; gạo thặng dư 1,36 tỷ USD, tăng 13,9%; hàng rau quả thặng dư 1,16 tỷ USD, tăng 44,1%; tôm thặng dư 808 triệu USD, tăng 15,2%...

Đặc biệt trong 4 tháng, giá trị XK nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. XK sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị XK sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Nhận định chung về tình hình phát triển trong 4 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành Nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.

Đáng chú ý, “cơ cấu thị trường cho thấy, xúc tiến thương mại đang có kết quả tích cực theo hướng chất lượng cao và sản phẩm truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi. Như vậy sau nhiều năm tái cơ cấu, các ngành hàng đang đi vào chiều sâu theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói và truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Với kết quả đạt được này, từ các đối tượng chủ lực, Bộ NN&PTNT sẽ mở rộng các đối tượng khác, kết hợp với việc xúc tiến thương mại quyết liệt hơn, tích cực hơn” - ông Phùng Đức Tiến nói.

Xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng
Ngành gỗ chủ động xúc tiến thương mại, tìm cơ hội phát triển.

Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng

Nói thêm về thị trường XK nông lâm thủy sản (NLTS), ông Phùng Đức Tiến cho hay, thời gian qua thị trường có những khó khăn như các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển; nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thuận lợi. Ví dụ do xung đột giữa Nga - Ukraine… gặp khó khăn khi phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng cũng là thời cơ Việt Nam tiếp tục XK nông sản ở quy mô lớn hơn, giá trị cao hơn và nhiều khu vực dư địa lớn hơn. Các thị trường XK NLTS lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam còn những hạn chế. Đơn cử như chi phí cho xúc tiến thương mại, cho hội chợ còn rất hạn chế. Với những khó khăn nhất định thì khi doanh nghiệp tiếp cận các thị trường cũng là bài toán. Do vậy, Bộ NN&PTNT xác định việc xúc tiến thương mại với các cơ cấu thị trường cần cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điển hình, trong 2 - 3 năm vừa qua, có sự tập trung vào thị trường Anh nên nông sản Việt Nam đã có vị thế tương đối tốt.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong XK trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản, thủy sản; nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là đại sứ quán ở các nước trong xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản.

Cùng với đó, tận dụng các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để đẩy mạnh XK hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm XK tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam chi hơn 14 tỷ USD nhập khẩu nông lâm thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu 14,32 tỷ USD, tăng 13,2%. Trong đó: Nông sản gần 9 tỷ USD, tăng 13,5%; sản phẩm chăn nuôi 1,1 tỷ USD, tăng 4,3%; thuỷ sản 820 triệu USD, giảm 4,3%; lâm sản 817 triệu USD, tăng 22,8%; đầu vào sản xuất 2,58 tỷ USD, tăng 21,1%; muối 9,5 triệu USD, giảm 28,1%.