Nhất định nắm bắt được thời cơ
Nhiều chính sách được ban hành kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL

Thuốc đặc trị bệnh “sợ”

Kỳ họp thứ 6, sau 22,5 ngày làm việc, với 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 39 lượt đại biểu tranh luận..., thu lại được một trong những kết quả rất quan trọng là Quốc hội đã tìm ra được thuốc đặc trị cho bệnh “sợ” trong bộ máy nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng bởi bệnh “sợ”, nền kinh tế năm 2023 trở nên trầm lắng, khiến kết quả tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt trên 5%, thấp xa so với mục tiêu đề ra tăng từ 6 đến 6,5%. Bệnh “sợ” nếu không có thuốc đặc trị, sẽ làm nhụt đi ý chí, cũng như quyết tâm nắm bắt thời cơ phát triển đất nước.

Bệnh “sợ” được đại biểu Quốc hội đặt ra gay gắt từ Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào mùa hè năm nay. Ngày 31/5/2023, là đại biểu phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu về “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai... gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước”.

Khắc phục cho ra kết quả

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ.

Vị đại biểu thấy rất băn khoăn về việc tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện, không những thế, nó còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư… và đề nghị cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị "bệnh" một cách hiệu quả. Theo đại biểu này, có số đông nhóm cán bộ trách nhiệm vì sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất, gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

Những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật xuất phát từ nguyên nhân chính là một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, điển hình như cùng một nội dung quy định, nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau; hay cùng 1 nội dung công việc, nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện

Để tìm ra thuốc đặc trị, tại Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên Quốc hội đã xem xét kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật thì trước đây, theo lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội vẫn thực hiện nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 2 Tổ công tác do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ và 1 Phó Chủ tịch Quốc hội đứng đầu tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật và đưa nội dung này ra thảo luận công khai tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Nhất định nắm bắt được thời cơ
Ảnh minh họa

Thuốc được “kê toa” và giờ là lúc cần kiên quyết, kiên trì thực hiện. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị; có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Gian nan còn phía trước

Bệnh “sợ” của cán bộ khó hóa giải được trong một sớm một chiều dù đã được kê toa thuốc đặc trị. Gian nan còn ở phía trước. Như theo phân tích của đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), trong thực thi công vụ, nếu có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực để năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ. Nhưng thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành hoặc pháp luật của Nhà nước. Trong khi chờ sửa đổi, những người thấy làm sai quy định, sai luật dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ phải có tinh thần dũng cảm kiểu “điếc không sợ súng”. Trong khi việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi.

Cuối tháng 9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, viêc thực hiện đúng là không khả thi. Một tháng sau khi thực hiện nghị định này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giãi bày trước Quốc hội Kỳ họp thứ 6 rằng Nghị định mới chỉ giải quyết được vấn đề khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thể hiện ở ba biện pháp, gồm: tôn vinh, khen thưởng và tạo điều kiện thăng tiến. Còn đối với lĩnh vực bảo vệ thì gặp “bí” do xung đột với các quy định hiện hành. Ông Quang đề nghị các đại biểu Quốc hội “tính thêm, nghĩ thêm và có khả năng là phải đề xuất sửa một số luật”./.