vũ đình ánh

TS. Vũ Đình Ánh: Các biện pháp hỗ trợ với đối tượng được mở rộng đã có tác động bao trùm! Ảnh: TL.

*PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ban đầu, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất gói hỗ trợ chỉ khoảng 30 nghìn tỷ đồng, sau được điều chỉnh lên hơn 80 nghìn tỷ đồng và cuối cùng là 180 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về động thái của Bộ Tài chính trong bối cảnh nhiều DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19?

- TS. Vũ Đình Ánh: Trong khó khăn do dịch bệnh gây ra cho DN và người dân, có thể nói là thoạt đầu chúng ta chưa ước lượng được thời gian cũng như quy mô, diễn biến của dịch, nên Bộ Tài chính đã liên tục điều chỉnh quy mô của gói hỗ trợ tài khóa.

Đây là các biện pháp liên quan đến khoản thu nộp ngân sách mà chúng ta sẽ giãn, hoãn. Với quy mô này sẽ giúp DN, khu vực sản xuất cũng như những người dân gặp khó khăn sẽ có điều kiện tốt hơn để có cơ hội vượt qua dịch bệnh trong thời gian tới.

*PV: Tại nghị định đã có nhiều nhóm đối tượng được bổ sung và nâng gói hỗ trợ chính sách tài khóa này lên đến 180 nghìn tỷ đồng và 98% tổng số DN trên cả nước được thụ hưởng. Ông bình luận gì về việc này?

- TS. Vũ Đình Ánh: Các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ tài khóa này cũng như quy mô của gói hỗ trợ liên tục được điều chỉnh, cập nhật dựa trên chúng ta đánh giá tình hình cũng như tác động tới nền kinh tế, đặc biệt là khu vực DN. Do đó, với 98% tổng số DN, có nghĩa là tuyệt đại đa số DN sẽ được hưởng gói hỗ trợ rất tích cực này từ phía Nhà nước. Đây là tín hiệu rất mừng cho khu vực DN trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tiêu cực và khá toàn diện tới tất cả các DN.

*PV: Ông đánh giá như thế nào về tính thuận tiện trong thủ tục đăng ký, gia hạn thuế, tiền thuê đất được quy định tại nghị định?

- TS. Vũ Đình Ánh: Tôi rất mừng và chia sẻ với các DN của chúng ta. Đặc biệt lần này tôi đánh giá rất cao cơ quan quản lý đã có cơ chế vận hành cho gói hỗ trợ này rất thông thoáng và thuận tiện cho các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ.

Trước đây, khi dịch bệnh bắt đầu phát sinh thì chúng ta vẫn phải tính toán, cân nhắc những ngành nghề nào, nhất là những ngành nghề tác động trực tiếp. Tuy nhiên, khi diễn biến dịch đang kéo dài, không chỉ đã tác động trực tiếp, mà còn tác động hầu hết tới các ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, việc mở rộng các ngành nghề được gia hạn thuế, tiền thuê đất và chỉ cần điều kiện DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng chỉ cần có 1 ngành nghề thuộc đối tượng thì cũng sẽ được hỗ trợ, gia hạn các nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN).

Tôi đánh giá rất cao quyết định và chủ trương này.

Lần này với cơ chế thông thoáng và điều kiện mang tính khả thi như vậy, tôi tin rằng, gói hỗ trợ khi được triển khai sẽ nhanh, kịp thời, đặc biệt là sẽ rất hiệu quả trong việc giúp cho các DN và hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.

*PV: Như ông vừa nói, gói hỗ trợ trong gói lần này đã mở rộng các đối tượng khá thông thoáng. Ông đánh giá như thế nào về 2 ngành nghề mới là hoạt động kinh doanh bất động sản và tín dụng ngân hàng cũng được đưa vào diện được gia hạn thuế, tiền thuê đất?

- TS. Vũ Đình Ánh: Trước đây, thoạt đầu chúng ta chỉ dự định hỗ trợ cho khu vực chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, phân tích các tác động và diễn biến của dịch bệnh, thì việc mở rộng các đối tượng gián tiếp bị tác động của dịch bệnh là chủ trương, quan điểm phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế.

Các bộ phận của nền kinh tế có mối quan hệ lẫn nhau. Do đó, khó khăn của khu vực này sẽ tác động đến khu vực khác và không ít ngành nghề chịu tác động gián tiếp. Nếu như chúng ta giảm bớt gánh nặng, cũng như áp lực tài chính cho họ thì sẽ có tác động đến khu vực bị tác động trực tiếp.

Tôi cũng đánh giá rất cao, đó là với những ngành nghề không chỉ gặp khó khăn trong tiêu thụ, sản xuất kinh doanh đối với xuất khẩu hay liên quan đến thị trường quốc tế, mà chính sách lần này đã hướng tới khu vực thị trường trong nước, giúp cho khu vực sản xuất kinh doanh có thể có chuyển hướng trong kinh doanh, đồng thời với việc duy trì và tái cơ cấu DN.

Tôi cho rằng, các biện pháp hỗ trợ với đối tượng được mở rộng như lần này đã có tác động bao trùm.

*PV: Ông bình luận như thế nào về quy định, với những DN đã quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, vẫn được bù trừ vào các khoản thuế khác để đảm bảo được hưởng gói hỗ trợ này?

- TS. Vũ Đình Ánh: Đây là một cơ chế hợp tình hợp lý của cơ quan chức năng liên quan tới nghĩa vụ thu nộp NSNN để đảm bảo được nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch trong việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa này.

Đặc biệt, như tôi đã nói, ngoài vấn đề xem xét mở rộng gần như tối đa đối tượng thụ hưởng thì các vấn đề cụ thể của các khu vực DN, thậm chí của từng DN cũng sẽ được xem xét đánh giá để có thêm các biện pháp có những chính sách phù hợp hơn.

*PV: Theo ông, để triển khai gói hỗ trợ có hiệu quả, cần chú ý những điểm gì để tránh bị trục lợi?

- TS. Vũ Đình Ánh: Chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định về triển khai những gói hỗ trợ về mặt tài khóa nói riêng cũng như tài chính, tín dụng, tiền tệ nói chung. Đặc biệt là kinh nghiệm cách đây hơn 10 năm khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009. Do đó những điểm cần chú ý trong quá trình triển khai, vấn đề đầu tiên quan trọng nhất là phải hỗ trợ đúng đối tượng.

Mặc dù lần này đối tượng thụ hưởng hỗ trợ gần như là tuyệt đại đa số, tuy nhiên việc xác định đúng tối tượng cũng vẫn rất quan trọng để tránh bị lạm dụng, kể cả từ phía cơ quan quản lý cũng như đối tượng thụ hưởng.

Vấn đề thứ hai đó là, hỗ trợ đúng đối tượng còn liên quan đến nhóm đối tượng và từng đối tượng. Tôi đơn cử như các đối tượng không có nhu cầu về mặt vay vốn để mở rộng hay duy trì sản xuất thì việc cho vay vốn sẽ không có ý nghĩa. Hay như các đối tượng không đi thuê đất thì người ta cũng sẽ không quan tâm đến việc gia hạn tiền thuê đất. Như vậy, rõ ràng chúng ta xác định được đúng vấn đề để hỗ trợ làm sao đúng và trúng.

Vấn đề thứ ba là, chống lạm dụng, trục lợi khi hưởng các gói hỗ trợ. Điều này cần được cơ quan quản lý quan tâm, thậm chí có những chế tài để làm sao hạn chế thấp nhất.

Điểm thứ tư là, tính khả thi của những biện pháp, điều kiện chúng ta đưa ra khi triển khai gói hỗ trợ này.

Cuối cùng, rút kinh nghiệm những lần trước, việc hỗ trợ này cần phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng.

*PV: Thưa ông, có ý kiến lo ngại trong thời gian gia hạn, nguồn thu sẽ giảm đi. Điều này có tác động như thế nào đến công tác điều hành NSNN, nhất là với các khoản chi ngân sách trong thời gian tới?

- TS. Vũ Đình Ánh: Tình hình NSNN năm 2020 phải dùng 1 từ mô tả rõ nhất là “căng thẳng”. Các khoản thu NSNN đều chịu tác động rất lớn của dịch bệnh từ các yếu tố cả trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu, giá dầu… Trong khi đó, các khoản chi ngân sách lại tăng lên rất nhiều, chưa kể các khoản chi bất thường đang ngày càng tăng từ các khoản chi trực tiếp liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, cũng như các khoản chi gián tiếp như các gói hỗ trợ có quy mô lớn lên tới 180 nghìn tỷ đồng như chúng ta đang nói.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính phải căng mình điều hành NSNN làm sao vừa đảm bảo các khoản thu cân đối ngân sách trong điều kiện tăng chi và giảm thu; đồng thời với đó là triển khai gói hỗ trợ này.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào biện pháp gia hạn, giãn, hoãn các khoản thu nộp NSNN nên trong điều hành ngân sách chỉ mang tính tạm thời, trước mắt gói hỗ trợ không ảnh hưởng đến cân đối NSNN cả năm 2020 này.

Song, chúng ta cũng phải lường trước các trường hợp tác động trực tiếp ảnh hưởng đến cân đối NSNN 2020. Theo tôi, Bộ Tài chính nên có ngay các phương án giúp cho ngân sách có thể đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ thu – chi – hỗ trợ mà vẫn đảm bảo sự ổn định, bền vững, điều hành phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (ghi)