Nhiều tín hiệu khả quan

Năm 2024, hầu hết các địa phương đều được Chính phủ giao vốn đầu tư công (ĐTC) cao hơn so với năm 2023. Vì vậy, ngoài việc phân bổ và giao kế hoạch vốn từ sớm, các địa phương đều thực hiện xây dựng kịch bản, kiểm soát tiến độ giải ngân, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án.

Đồng thời, từng địa phương đã phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn ĐTC của nhiều tỉnh, thành phố trong 3 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan.

Những nỗ lực “tiêu tiền” giải ngân vốn đầu tư công
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn ĐTC của cả nước đến hết tháng 3/2024 đạt trên 89.874 tỷ đồng, bằng 12,96% tổng kế hoạch; bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

Về việc phân bổ vốn, báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (657.349 tỷ đồng) trên 35.946 tỷ đồng. Do đó, tổng số vốn đã phân bổ trên 667.640 tỷ đồng, đạt trên 101% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính số vốn giao tăng của các địa phương thì số vốn đã phân bổ là trên 631.690 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, hiện vẫn còn 20 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, với tổng số vốn trên 25.654 tỷ đồng, chiếm 3,9% kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao.

Quyết tâm không để “ngâm vốn”

Việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Để phấn đấu giải ngân vốn ĐTC năm 2024 đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), ngày 22/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg (CĐ số 24) về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2024. Nhận được chỉ đạo, các địa phương đang tích cực vào cuộc với quyết tâm không để “ngâm vốn”.

Tính đến ngày 22/3/2024, tỷ lệ giải nhân vốn ĐTC năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng chỉ đạt 6,3% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước và không đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện CĐ số 24, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn.

Tại văn bản, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tất cả các đơn vị tập trung rà soát các nguồn vốn được bố trí của năm 2024, khẩn trương tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho từng dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện việc đầu tư và giải ngân vốn theo quy định.

Những nỗ lực “tiêu tiền” giải ngân vốn đầu tư công
Các địa phương đang quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chưa phân bổ, khẩn trương tham mưu đề xuất UBND tỉnh phân bổ chi tiết cho các dự án để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện và giải ngân.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khởi động các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc tiến độ giải ngân của tỉnh, huyện; khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trực tiếp tại từng dự án nhằm đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn cho các công trình…

Tỉnh Bạc Liêu đưa ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 giải ngân vốn ĐTC đạt 95% kế hoạch. Do đó, tỉnh đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngay từ đầu năm.

Một điều đáng ghi nhận là UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực phân bổ tổng nguồn vốn được giao cho các đơn vị, địa phương là 3.635 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách địa phương 2.577 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 1.058 tỷ đồng). Đồng thời, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã thông báo mức vốn được giao đến các chủ đầu tư để chủ động trong việc triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Thực hiện các chỉ đạo tại CĐ số 24 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các chủ đầu tư cần chú trọng, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn ĐTC; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các chủ đầu tư chú trọng, quan tâm hơn nữa trong việc chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là cần nâng cao chất lượng tư vấn từ khâu lập chủ trương đầu tư, khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt dự án để đủ điều kiện giao vốn cũng như triển khai thực hiện các bước tiếp theo được thuận lợi; khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực về chuyên môn, về tài chính… để sớm hoàn thành các công việc được giao theo hợp đồng đã ký, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và thay thế ngay các đơn vị tư vấn, thi công không đáp ứng theo kế hoạch và tiến độ hợp đồng đã ký…

Nhiều bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao

Hiện có 4 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Xây dựng (41,44%); Đài Truyền hình Việt Nam (trên 40%); Tiền Giang và Phú Thọ (trên 30%)...