nợ nần

Ảnh: Bloomberg

Đây cũng là lời cảnh báo rằng kinh tế thế giới đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới do mức nợ nần quá cao.

Điều tồi tệ nhất có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm của “căn bệnh” vỡ nợ. Điều này đã được minh chứng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 90 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vào cuối những năm 1990, nợ chính phủ của Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc phình to cùng với việc Nga vỡ nợ đã châm ngòi cho khủng hoảng nợ lan rộng trong các nền kinh tế mới nổi và những gói cứu trợ quyết liệt đã phải đưa ra. Vào năm 2008, khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ đã đẩy nền kinh tế vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và đang lây nhiễm cho Châu Âu với sự nhen nhóm của một cuộc khủng hoảng nợ công đang bắt đầu.

Nỗi lo Trung Quốc

Sau khủng hoảng tài chính 2008, các nhà đầu tư rót tiền mạnh vào Trung Quốc, Brazil và các thị trường mới nổi để tận dụng sự phục hồi của giá cả hàng hóa cơ bản và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Ngân hàng tại các quốc gia này đã “mở van” tín dụng cho vay. Kể từ 2008, mức nợ trung bình của lĩnh vực tư nhân ở các thị trường mới nổi đã tăng từ 75% GDP lên 125% GDP, theo Ngân hàng thanh toán quốc tế. Mức mợ của Trung Quốc và Brazil hiện đã lớn gấp đôi nền kinh tế của những quốc gia này.

Theo ước tính của McKinsey, nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần từ 10 nghìn tỷ USD lên 30 nghìn tỷ USD kể từ năm 2009. Nhà đầu tư tỷ phú Kyle Bass, người đã kiếm được khoản tiền khổng lồ từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ, cho rằng các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc có thể bị thiệt hại tới 3,5 nghìn tỷ USD - gấp 4 lần thiệt hại của các ngân hàng Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy nhiên, do chính phủ Trung Quốc vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ hệ thông ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ khó có thể bị đóng băng như đã xảy ra đối với hệ thống ngân hàng của Mỹ năm 2008.

Đối với các thị trường mới nổi, Kenneth Rogoff, một nhà kinh tế của Harvard cho rằng thả nổi tỷ giá ngoại hối đã giúp cho nhiều quốc gia như Nga và Brazil vẫn chưa rơi vào khủng hoảng tài chính./.

Mai Linh (Theo Bloomberg)