Đầu tư công ngành Nông nghiệp: Phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt
Đầu tư công ngành Nông nghiệp: Phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt.

Đôn đốc, kiểm tra giám sát các công trình rất chặt chẽ

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, ngành Nông nghiệp được giao thực hiện vốn đầu tư công 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng). Tính đến ngày 30/4, Bộ này đã giải ngân 2.273,4 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, đạt hơn 23% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước 2.053 tỷ đồng đạt 25,5%; vốn nước ngoài 220 tỷ đồng đạt 12,2%. Đây cũng là một trong số ít bộ, ngành được đánh giá có mức giải ngân vốn cao hiện nay.

Cụ thể, về dự án khối thủy lợi, đê, kè, bộ có tổng số 135 dự án, dự án trái phiếu; 82 dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư (đã phê duyệt 35 dự án); 34 dự án dự kiến phê duyệt trước ngày 30/6 và 13 dự án phê duyệt sau ngày 30/6; 53 dự án đang thực hiện, thi công.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, yếu tố then chốt để thực hiện tốt, thực hiện nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là cán bộ, là những người thực thi công vụ. Chỉ cần cán bộ làm đúng, hết trách nhiệm, đúng quy định là đã khác rồi.

Về dự án khối nông lâm, viện, trường, ngành nông nghiệp có tổng số 141 dự án, dự án trái phiếu; 125 dự án đang chuẩn bị đầu tư (đã phê duyệt 76 dự án); 25 dự án dự kiến phê duyệt trước ngày 30/6; 24 dự án phê duyệt sau ngày 30/6; 16 dự án đang thực hiện, thi công.

Bàn về kinh nghiệm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: "Những năm qua, việc giải ngân của Bộ NN&PTNT luôn nhanh chóng vì ở tất cả các dự án, bộ linh động giao chủ đầu tư cho các ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm trực tiếp tại địa phương để triển khai, thực hiện".

Mặc dù giao cho ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, nhưng theo ông Hiệp, điều quan trọng là mọi vấn đề từ chủ trương đầu tư, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra… đều do Bộ NN&PTNT làm. Bộ vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm về đầu tư. Theo đó, Bộ NN&PTNT tập trung thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra giám sát các công trình rất chặt chẽ trong giải ngân vốn đầu tư công.

"Dự án của Bộ NN&PTNT thường ở vùng sâu, vùng xa, giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp. Các dự án rất nhiều, đa dạng. Về cơ bản, các dự án đều phải nghiên cứu rất lâu thì mới đầu tư. Làm một hồ, một đập ngăn sông có khi phải nghiên cứu 10 năm mới dám làm. Đầu tư công trình là không được phép hối tiếc vì không có cơ hội sửa chữa. Vì dự án đặc thù kiểu đó nên phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt và ngược lại"- Thứ trưởng nêu rõ.

Đầu tư công ngành Nông nghiệp: Phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt
Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ Bản Mồng giai đoạn 2, tại Nghệ An. Công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý.

Tập trung giải ngân dự án chuyển tiếp còn vướng mắc

Theo ông Hiệp, hiện nay còn có những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công cần sửa đổi, tháo gỡ đó là thẩm quyền phê duyệt dự án và quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

"Ví dụ, chuyển đổi 20 ha đất lúa hay 1 m2 đất rừng phòng hộ… cũng trình Thủ tướng phê duyệt là không cần thiết. Những nội dung này hoàn toàn có thể ủy quyền cho địa phương phê duyệt dự án" - ông Hiệp dẫn chứng.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất… cũng là những vấn đề vướng nhiều nhất trong giải ngân vốn đầu tư công. Ông Hiệp nhấn mạnh: "Ba tháng gần đây, tốc độ phê duyệt của Chính phủ rất nhanh, tác động rất tốt gỡ khó đầu tư công, nhưng chưa đủ. Vấn đề là quy hoạch địa phương, quy hoạch cấp dưới được phép điều chỉnh thì phải mạnh dạn điều chỉnh nhưng địa phương làm việc này rất chậm".

Năm 2023, Bộ NN&PTNT quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cho các dự án chuyển tiếp còn vướng mắc, điển hình như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình), dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1 (tỉnh Nghệ An)…

Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư lập kế hoạch tiến độ thực hiện giải ngân chi tiết hàng tháng và cả năm 2023 phù hợp với thực tế hiện trường; chấp thuận để đôn đốc thực hiện; bám sát mục tiêu giải ngân và thẩm định điều chỉnh một số dự án khối thuỷ lợi phục vụ quyết toán.

Bộ cũng đôn đốc chủ đầu tư các dự án mở mới khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ phê duyệt trước ngày 30/6/2023. Các dự án đã được phê duyệt dự án tiến hành thủ tục đấu thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công… đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng tiến độ thực hiện, giải ngân.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đôn đốc đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra phối hợp chặt chẽ trong quá trình khảo sát thiết kế, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng đủ điều kiện trình phê duyệt dự án...

“Trong giao ban của Bộ NN&TNT về xây dựng cơ bản, tôi vẫn nói cần làm nhanh nhưng không ẩu, không sai pháp luật. Yêu cầu làm đúng nhưng phải có thời hạn để giải quyết. Tất cả văn bản trả lời chung chung, tôi đều không ký. Các nội dung trình lên giải quyết và tham mưu phải rõ ràng là 'có hay không' chứ không có chuyện trả lời chung chung." - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.