Nhiều ưu đãi thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy

Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam mới trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1892 ngày 31/10/2021). Cụ thể, Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất miễn tiền thuê mặt nước toàn bộ thời hạn thuê, miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất; đồng thời giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy.

Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, giảm tải cho đường bộ

Kênh Chợ Gạo tuyến giao thông thủy huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long.

Các dự án xây dựng cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy được đưa vào danh mục ưu tiên bố trí đất và mặt nước. Miễn thuế nhập khẩu các loại thiết bị xếp dỡ hàng hóa container, hàng rời, hàng chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được để nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa của các cảng thủy.

Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đề xuất miễn phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa. Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo học nghề điều khiển phương tiện thủy, sửa chữa, khai thác máy tàu thủy hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.

Ưu tiên bố trí tăng vốn sự nghiệp cho công tác bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng năm sau tăng thêm 1,3 lần so với năm trước, nhằm duy trì kết cấu hạ tầng và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy. Nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế bố trí hàng năm được sử dụng để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dùng chung phục vụ công tác quản lý lĩnh vực đường thủy (hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; quản lý hạ tầng đường thủy, phương tiện, thuyền viên, vận tải.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn ngân sách nhà nước và ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách huy động vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoàn thiện chính sách ưu đãi về sử dụng đất, sử dụng khu vực biển để xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy. UBND các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và đề xuất các cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo

Cùng với việc đề xuất nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường thủy, các dự án quan trọng của lĩnh vực này cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp gần 10km kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2 được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành từ tỷ lệ 50 - 75%.

Hiện dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, khảo sát thiết kế bảo vệ thi công. Các nhà thầu cũng đang đắp đê bao bãi đổ chất nạo vét, xây dựng bãi đúc cấu kiện thi công kè, đóng cọc thử các cầu… để đồng loạt thi công.

Các nhà thầu đều đã huy động các thiết bị thi công chính, nhân sự, lán trại, văn phòng, thí nghiệm hiện trường và hoàn thành công tác khảo sát địa hình trước thi công, thỏa thuận với các hộ dân và chính quyền địa phương về các vị trí đổ chất nạo vét.

Về khối lượng nạo vét, ước tính khoảng gần 716.800m3 bùn, đất sẽ được nạo vét để đưa lên các bãi đổ thải. Trong thời gian nạo vét luồng và thi công bờ kè, dự án tổ chức 3 trạm điều tiết, hướng dẫn giao thông đường thủy để đảm bảo vận tải thủy qua kênh Chợ Gạo và phục vụ thi công.

Ông Dương Thanh Hưng - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 được khởi công gần cuối tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.335 tỷ đồng để nạo vét, mở rộng gần 10km luồng đường thủy, xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam tuyến kênh, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía Nam như Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo). Sau khi hoàn thành, đoạn luồng trên có chiều sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m và bán kính cong lớn hơn 500m, giúp phương tiện thủy có trọng tải 2.000 - 3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực đường thủy cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án đường thủy sẽ phát huy tiềm năng lợi thế từ thiên nhiên ưu đãi cho lĩnh vực này, góp phần thay đổi diện mạo giao thông thủy, san sẻ gánh nặng cho vận tải đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường…