Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng. Ảnh: TL

Tăng trưởng cả về doanh thu và xuất khẩu

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; mây tre đan; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).

TS. Kevin Murray - Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới đánh giá cao sự phát triển của làng nghề Hà Nội và nỗ lực của chính quyền Thủ đô trong công tác bảo tồn.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), tổng hợp báo cáo từ các quận, huyện, thị xã, tính đến nay tổng doanh thu năm của các làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng.

Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Ví dụ, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ thu nhập lao động bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng...

Các sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang trên 40 quốc gia và vùng lành thổ.

Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội).

Phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề, TP. Hà Nội đã sớm ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP. Hà Nội để làm cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển làng nghề.

Thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 02 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng huyện Gia Lâm...

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Đây cũng là lý do khiến hàng trăm làng nghề và làng có nghề trên địa bàn Hà Nội đang và đang bị mai một trong những năm qua.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát triển làng nghề được UBND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu qua trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội.

Hiện nay Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch về Phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, gửi lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Từ đó, hoàn thiện dự thảo kế hoạch trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Ông Nguyễn Xuân Đại cũng cho rằng, trong xu thế đô thị hoá hiện nay, để nâng cấp được sản phẩm làng nghề, một trong những giải pháp cần được quan tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Để thực hiện được điều này, rất cần sự vào cuộc của các sở ngành, các quận, huyện, thị xã.

Hiến kế cho làng nghề phát triển hơn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến cũng cho biết: “Nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất của nhiều làng nghề. Dù vậy với đặc thù là Thủ đô, Hà Nội khó có thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Do đó, thành phố cần cần tăng cường liên kết với các tỉnh thành để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ổn định cho các làng nghề…”./.

Cuối tháng năm 2023, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thuộc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam TP Hà Nội đã ký thoả thuận hợp tác với Đại học Lund (Thuỵ Điển) và Hội đồng Thủ công Thế giới. Mục đích của việc ký kết các biên bản ghi nhớ với Đại học Lund và Hội đồng Thủ công Thế giới là nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác giữa thành phố với các đối tác nước ngoài, hướng đến phát triển ngành nghề thủ công trên địa bàn Thủ đô; bảo tồn giá trị truyền thống và bản sắc văn hoá của làng nghề.