Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp Thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Chính sách cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhìn từ Tập đoàn Viettel

Hội thảo có nhiều diễn giả trong nước, quốc tế như: đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thành ủy Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Việt Đức; Ngân hàng Vietcombank, Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) tại Việt Nam, Tập đoàn Savico…

Các diễn giả đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước nói chung, vấn đề phát triển các ngành dịch vụ mới nói riêng theo hướng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số...

Hội thảo cũng nghe chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về một số chủ trương, chính sách cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh và điều kiện mới.

Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Toàn cảnh hội thảo

Trong phiên thảo luận do TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng đề án điều phối sau đó, các đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương đã cùng sự tham gia chia sẻ, đối thoại, phân tích và thảo luận của tập trung vào một số nội dung: cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ mới trong quá trình CNH, HĐH; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ; đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH.

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới. Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH. Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh

Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển quan trọng của ngành dịch vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình với nhiều ý kiến khi đánh giá quá trình phát triển ngành dịch vụ còn nhiều vấn đề lớn đặt ra như: Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.

Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp nhu cầu phát triển, chi phí logistic chiếm tỷ trọng cao.

Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân

Các ý kiến phát biểu tại buổi hội thảo thống nhất cao và đồng tình cho rằng, CNH, HĐH là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mô hình CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, CNH, HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, đồng thời khẳng định rõ CNH, HĐH là sự nghiệp toàn dân.