Các bãi đỗ xe là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải ghi sổ kế toán. Ảnh: TL.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Dự thảo thông tư này không áp dụng đối với tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo quy định tại dự thảo thông tư, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đủ tiêu chuẩn để ghi sổ kế toán là những tài sản có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí: có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.
Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ghi sổ kế toán gồm: Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường; cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; cầu phao và công trình phụ trợ; trạm kiểm tra tải trọng xe; trạm thu phí đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; nhà hạt quản lý đường bộ…
Mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ghi sổ kế toán phải có đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại và hao mòn lũy kế.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết hao mòn thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và tính hao mòn theo quy định tại thông tư này. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã hết hao mòn nhưng còn sử dụng được, cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành.
Dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi Bộ Tài chính ban hành./.
Minh Anh