Đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp

Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), công tác quản lý, sử dụng TSC đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Đặc biệt, nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng.

Quản lý chặt chẽ tài sản công giúp phòng chống tham nhũng, lãng phí
Quản lý chặt chẽ tài sản công giúp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh minh họa

Các cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng TSC đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Trong năm 2024, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành các nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSC, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cho các cơ quan quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, đặc biệt là các văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC tiếp tục được hoàn thiện. Pháp luật về quản lý, sử dụng TSC đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại TSC gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản. Cơ quan quản lý đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý TSC; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng TSC; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của TSC…

Với những thuận lợi đó, công tác quản lý, sử dụng TSC năm 2023 đã đạt được một số kết quả khả quan. Đơn cử như trong năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Ngoài ra, qua tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, ngành, hội đặc thù và các địa phương, tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định là 268.274 cơ sở.

Để triển khai Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2023, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị xác định và công bố công khai tiêu chuẩn định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, ban hành tiêu chuẩn định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng xe ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức, khả năng ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí được phép sử dụng; xử lý, thanh lý xe ô tô dôi dư theo đúng các quy định.

Về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định về việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; trả lời vướng mắc, hướng dẫn xử lý tài sản kết cấu hạ tầng theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các tổng công ty và các địa phương...

Tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công

Quản lý chặt chẽ tài sản công giúp phòng chống tham nhũng, lãng phí
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Nguyễn Tân Thịnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên đánh giá một cách tổng quát, công tác quản lý TSC vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Đó là, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt là việc khai thác các TSC chuyên ngành còn chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ chế phân cấp quản lý TSC còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên. Việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện. Vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý TSC còn diễn ra. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý còn chậm, ảnh hưởng tới công tác quản lý, khai thác tài sản. Việc chấp hành chế độ báo cáo, cập nhật thông tin và cơ sở dữ liệu còn chưa nghiêm.

Các cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng TSC đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Do đó, ông Thịnh cho biết, trong năm 2024, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành các nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSC, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cho các cơ quan quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, đặc biệt là các văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách làm cơ sở hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng và tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý, theo Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa), để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định; thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, TSC của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng thời hạn, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính; đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng TSC, kê khai, đăng nhập và chuẩn hóa dữ liệu về TSC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng TSC; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý TSC tại Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý TSC, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC...