Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm và làm việc tại một số cơ quan ngành Tài chính tỉnh Bình Định Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt trong bối cảnh khó khăn

13 vấn đề lớn được cử tri quan tâm

Bà Hồ Thị Kim Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Định đã báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri tỉnh Bình Định. Trong đó, có 13 vấn đề được cử tri và nhân dân tỉnh quan tâm.

Cử tri tỉnh Bình Định cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp kịp thời, điều hành nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay giá các loại vật tư nông nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ… vẫn duy trì ở mức cao; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, giá cả không ổn định. Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá; ổn định đầu ra cho nông sản; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất bền vững.

Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tại cuộc tiếp xúc cử tri chiều ngày 13/10. Ảnh: Minh Tuấn.

Theo cử tri tỉnh Bình Định, hiện nay danh mục thuốc khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ở các tuyến dưới, nhất là tuyến cơ sở rất hạn hẹp; việc quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến trên (tỉnh, trung ương) rất hạn chế; bên cạnh đó cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế còn rất khó khăn, chưa đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương có giải pháp khắc phục hiệu quả; giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư trang thiết bị y tế.

Cử tri đề nghị tăng lương

Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm rà soát, điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, sớm nâng mức lương cơ sở, tăng mức hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách, nhằm cải thiện môi trường làm việc, để cán bộ công chức, viên chức và người lao động được đảm bảo cuộc sống, an tâm công tác…

Cử tri và nhân dân Bình Định tiếp tục kiến nghị việc thực hiện những quy định mới trong giáo dục còn nhiều bất cập, vướng mắc như: giá sách giáo khoa còn cao gây khó khăn cho phụ huynh và giáo viên; vấn đề bảo vệ môi trường, chất lượng hàng hóa; sớm ban hành đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022-2026; sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; nâng cấp tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 19 (đoạn qua tỉnh Bình Định).

Báo cáo gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Bình Định cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép xây dựng cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế để sớm được đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Những tâm tư của cử tri trong ngành Y tế

Sau khi nghe các báo cáo, cử tri tham dự cuộc tiếp xúc đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, tập trung vào một số vấn đề như: về hỗ trợ tiền vay 40 triệu đồng/học sinh, sinh viên nên phân thành 2 mức, cho các đối tượng vay ít và nhiều hơn; Đảng, Nhà nước nên quan tâm, nâng lương đối với đối tượng là các thương bệnh binh; về kinh phí cho hội cựu thanh niên xung phong; về tự chủ trong ngành y tế; tình hình xuống cấp nghiêm trọng của quốc lộ 19...

Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân
Nhiều kiến nghị được cử tri gửi đến tại cuộc tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Tuấn.

Có những ý kiến rất đáng suy ngẫm và cũng là mối quan tâm, lo lắng của dư luận hiện nay. Vị Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, trong ngành Y tế hiện nay đang có nhiều khó khăn chung. Hiện có tình trạng bác sĩ bỏ việc hàng loạt.

Theo vị này, từ đầu năm 2021-2022 có 10 nghìn cán bộ y tế bỏ việc, do lương và phụ cấp quá thấp. Ví như khoản phụ cấp thường trực phẫu thuật, thủ thuật hiện rất thấp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Quyết định này đã được ban hành từ năm 2011 đến nay đã không còn phù hợp.

Phát biểu giải đáp, làm rõ những ý kiến của cử tri và nhân dân Bình Định nêu, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, MTTQ tỉnh đã tập hợp 13 nhóm vấn đề và 6 vấn đề được nêu tại cuộc tiếp xúc, phản ánh khá toàn diện các vấn đề cử tri quan tâm. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ tập hợp báo cáo QH, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương xem xét, giải quyết.

Về 13 nhóm vấn đề được MTTQ nêu, như: giá vật tư nông nghiệp, sản phẩm thiết yếu và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… ông Lê Kim Toàn cho biết, đây là các vấn đề được QH, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát là trọng tâm điều hành của Chính phủ.

Về khám chữa bệnh theo BHYT, y tế tuyến cơ sở…, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu và có kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền. Liên quan đến vấn đề này, QH sẽ đánh giá thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Theo ông Lê Kim Toàn, tổng gói hỗ trợ là khoảng 347 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoản chi dành cho y tế.

Đối với các vướng mắc có liên quan, ông Lê Kim Toàn cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong đó có đấu thầu thuốc. Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến đối với Luật Giá (sửa đổi), sẽ xem xét giá của những loại hàng và dịch vụ đặc biệt không tương đồng, trong đó có giá thuốc và dịch vụ y tế. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các vấn đề là bất cập nảy sinh trong lĩnh vực y tế…

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát

Cử tri tỉnh Bình định đề nghị Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát lạm phát để ổn định đời sống của người dân, nhất là người nghèo, nhóm người yếu thế trong xã hội.