Tại hội thảo, ông Dương Thanh An - Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH - Tổng cục Môi trường) cho biết, quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trong thời kỳ quy hoạch; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn ĐDSH, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: TL

“Mục tiêu đến năm 2050, quy hoạch bảo tồn bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, vừa phát triển bền vững các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.” - ông An chia sẻ thêm.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, quy hoạch bảo tồn ĐDSH là hoạt động rất quan trọng. Đây là nội dung cụ thể hóa các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Nhưng việc xây dựng quy hoạch phải phù hợp với các loại quy hoạch trong quy hoạch tổng thể quốc gia và cần có sự thống nhất, liên thông về quy hoạch giữa các bộ, ngành và các địa phương; trong đó, cần có sự giải thích rõ hơn về thuật ngữ; đồng thời những thuật ngữ này phải có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, vấn đề tổ chức, cơ chế quản lý trong lĩnh vực này tại cơ sở.

Ngoài ra, hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp, các giải pháp của các đại biểu xoay quanh những chủ đề: trồng cây gì để mang lại hiệu quả lâu dài; quy hoạch cần kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững; áp dụng cách tiếp cận chức năng sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH; tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn ĐDSH.

Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho rằng những ý kiến đóng góp ý nghĩa, giá trị của các đại biểu, các chuyên gia sẽ là tiền đề để dự thảo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm hoàn thiện và ban hành.

Theo dự kiến, quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia sẽ quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang ĐDSH, 32 khu vực ĐDSH cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng. Quy hoạch sẽ tập trung vào các giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; cơ chế, chính sách; khoa học và công nghệ; tài chính, đầu tư; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.