Nhiều khác biệt so với những hỗ trợ đã có

Theo TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lần này với quy mô tổng thể là 350 nghìn tỷ đồng đã chỉ đích danh 2 mảng chính sách chủ đạo, quyết định sẽ có tác động lớn đối với việc phục hồi, phát triển nền kinh tế là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nội dung của 2 mảng chính sách đã được thiết kế có sự phối hợp đồng bộ.

Quyết sách đột phá, tác động rộng lớn

Trong đó, chính sách tài khóa được xây dựng có nhiều khác biệt so các gói đã triển khai. “Nếu trước đây, chúng ta chủ yếu giãn, hoãn, nói cách khác là tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) thì lần này chúng ta trực tiếp giảm các khoản thu vào NSNN. Quan trọng hơn cả là trước đây cũng có chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các DN khó khăn, khủng hoảng. Còn lần này, chính sách giảm thẳng vào thuế gián thu, ở đây là thuế giá trị gia tăng (GTGT)” – TS. Vũ Đình Ánh nói.

Việc giảm 2% thuế GTGT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ vì người tiêu dùng đương nhiên tiết kiệm được 2% chi tiêu trong bối cảnh thu nhập và việc làm đều đang khó khăn. Rộng hơn, giảm thuế GTGT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi.

Như vậy, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp đạt 2 mục tiêu: vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.

Mang dấu ấn của hội nhập

“Tôi cho rằng, gói chính sách lần này không chỉ mang tính kế thừa những gì đã thực hiện để cải thiện nâng cao hơn mà mang dấu ấn của hội nhập, của sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững”. - TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.

Các chính sách hỗ trợ khác đưa ra lần này cũng khá ấn tượng như gói hỗ trợ lãi suất 2%. Theo ông Ánh, đây là một cách tiếp cận mới mẻ. Thay vì xác định đối tượng được hỗ trợ, không thuộc đối tượng không được hưởng thì lần này Chính phủ đưa ra quy định những đối tượng không được hưởng, còn lại thì đương nhiên được hưởng. Việc này không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn mà còn giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện.

Tương tự với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phương tiện sử dụng điện thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nội dung này rất phù hợp với xu thế của thời đại, đồng hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới trong sử dụng sản phẩm bảo vệ môi trường.

“Tôi cho rằng, gói chính sách lần này không chỉ mang tính kế thừa những gì đã thực hiện để cải thiện nâng cao hơn mà mang dấu ấn của hội nhập, của sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững” - TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.

Đưa chính sách vào cuộc sống nhanh nhất

Bình luận về gói hỗ trợ, GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, ở các nước, khi đại dịch xảy ra, chính phủ thường có các gói hỗ trợ toàn dân, dùng tiền phát cho tất cả mọi người để đỡ khó khăn. Việt Nam lại có lựa chọn khác, không dùng tiền để phát như các nước. Song, gói chính sách vừa được ban hành cũng có thể coi là một gói hỗ trợ toàn dân, bởi hầu hết người dân, phần lớn DN đều được hưởng.

Gói hỗ trợ lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn nên câu chuyện làm sao thực hiện thực chất, hiệu quả thường sẽ được đặt ra. Giải đáp câu hỏi làm thế nào để làm tốt, ông Cường nêu ra 2 điểm cần quan tâm.

Thứ nhất, phải đưa chính sách đi vào cuộc sống càng sớm, càng kịp thời, càng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch nếu không sẽ lỡ nhịp. Để nhanh thì tùy thuộc nhiều cấu phần. Ví như việc giảm thuế GTGT thì có thể áp dụng ngay, người dân đi mua hàng hóa có thể được hưởng ngay. Nhưng có những chính sách cần được thông qua các thủ tục. Vậy thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. Tránh tình trạng chính sách hay nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý chặt chẽ, đảm bảo “an toàn” cho cơ quan quản lý nhưng gây khó cho đối tượng tiếp cận thì lại không hiệu quả. Ở đây rất cần có tiếng nói, có ý kiến, phải được phản hồi từ chính đối tượng hưởng thụ để đưa ra điều kiện ràng buộc trong kiểm soát thực thi chính sách.

Yếu tố thứ hai, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì chúng ta phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đây là một điều vô cùng quan trọng.“Cách thiết kế chính sách lần này rất hay, chúng ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ. Số này rất ít, chỉ có nhóm các DN đang có lợi thế trong đại dịch, còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin – cho gì cả. Với cách thiết kế này thì việc kiểm soát không còn quá khó khăn” – ông Cường nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu Quốc hội này, nghị quyết Quốc hội ban hành ra chỉ là “giấy phép”, còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện. “Tôi rất trông đợi Chính phủ trong việc giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực triển khai để sau này chúng ta kiểm tra đánh giá lại không chỉ dừng ở việc các cơ quan thực thi chính sách không có sai phạm, mà đánh giá được hiệu quả của chính sách, giải ngân được bao nhiêu, hỗ trợ được bao nhiêu đối tượng” - ông Cường nói.

Phải đặt ra những mục tiêu lớn,
không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn

Cũng chia sẻ tại diễn đàn, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng: Chúng ta có thể chờ đợi rất nhiều những cơ hội vào năm 2022.

Nhiều cơ hội đã được hiện thực hóa trong thời gian qua, ví dụ như việc đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế thể hiện qua con số hơn 660 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2021. Cùng với đó là khả năng thích ứng của DN, trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn có thể đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ đáp ứng được thị trường. Điều đó cho thấy niềm hy vọng cho năm 2022 là nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của một số bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… cũng sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam. Khả năng thích ứng, tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam cũng đã được khẳng định thông qua những thống kê về hoạt động của DN cả về số lượng lẫn số vốn,…

Chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào sự phục hồi đã được chứng minh trong năm 2021 của dòng vốn FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài dường như tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam thông qua việc nhìn vào những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư.

Không thể không kể đến kỳ vọng về tác động của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế vừa được Quốc hội thông qua.

Với những kỳ vọng đó, năm 2022 đóng vai trò rất quan trọng, gánh trên vai trọng trách của năm 2021, là năm chúng ta phải đặt ra những mục tiêu lớn, phải nhận diện cụ thể những thách thức để có giải pháp vượt qua chính mình, vượt qua khó khăn, không chỉ có tốc độ tăng trưởng tốt, bền vững trong năm nay mà cả giai đoạn tới.